Nhưng cuộc sống thực sự của họ có thật là nhung lụa hay chỉ cố gồng mình tạo một vỏ bọc sang trọng, để rồi phải đối mặt với việc luôn báo động chuyện chi tiêu.
1. Những ngày cuối năm bận rộn với công việc và tiệc tùng liên tục, vừa nhận hai thiệp cưới từ bạn thân và đồng nghiệp, Minh Thư (24 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 8) than thở: “Lương tháng này chắc chỉ đủ đi đám cưới”.
Mỗi lần đi đám cưới, Thư đầu tư khá tốn kém cho bản thân, mua mới quần áo, giày dép, túi xách. “Có cái đầm mà mặc đi hai đám cưới thì ngại với bạn bè mà bản thân mình cũng thấy không tự tin. Mỗi lần đi đám là tốn đủ thứ tiền, tiền mừng cưới, tiền mua đầm, có khi phải thay luôn giày với túi xách mới cho phù hợp với bộ đồ”, Thư kể.
Công việc của một nhân viên văn phòng, thu nhập ở mức vừa phải, tuy nhiên chuyện chi tiêu luôn ở mức ngất ngưởng bởi việc chạy theo hàng hiệu và mốt thời trang. Nói về những khoản dư để dành, Thư cho hay: “Thật ra thì cũng có dư một chút, nhưng hễ thấy món đồ nào mình thích như đôi giày hay mắt kính ra mẫu mới là tôi tranh thủ mua ngay, nên nhiều lúc đi làm chỉ vừa đủ để cho bản thân mua sắm. Quần áo, giày dép bình dân vẫn sử dụng bình thường, nhưng tôi thích săn đồ hiệu hơn, cảm thấy mình thời trang và đỡ bị lạc hậu”.
2. Check-in ở nhà hàng sang trọng, những chuyến du lịch cao cấp khiến hình ảnh trên trang cá nhân của Hoàng Tùng (26 tuổi, nhân viên bán hàng, ngụ quận Tân Phú) được không ít người trầm trồ, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, vừa tranh thủ làm báo cáo và kiểm tra lại thu nhập cuối năm, Tùng không khỏi chán nản: “Thống kê lại coi mình làm được bao nhiêu thôi, chứ dư dả gì đâu. Có dư là dư mấy chuyến du lịch với hình đi chơi để dành post Facebook cả năm không hết”.
Lương của một nhân viên bán hàng tuy không cao, nhưng hoa hồng và những khoản thưởng nóng sau mỗi hợp đồng thành công khá hấp dẫn. Nhưng khi nói đến chuyện tiết kiệm hay để dành cho những tháng không có tiền hoa hồng, Tùng lắc đầu. “Vì tôi thích đi du lịch, nên cứ dư ra một chút là bắt đầu đặt tour nghỉ dưỡng, mắc tiền hơn một chút nhưng mình được tận hưởng dịch vụ cao cấp nhất. Còn chuyện tiết kiệm hay để dành khoản dư thì tôi chưa nghĩ đến, mình còn trẻ còn làm được thì cứ tiêu xài thôi”.
3. Một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh lọ nước hoa đắt tiền, hay giày dép, túi xách hàng hiệu đến check-in ở những nhà hàng sang trọng, du lịch nghỉ dưỡng trên du thuyền và gu thời trang thời thượng, thậm chí là dẫn đầu các xu hướng. Nhiều bạn trẻ chia sẻ hình thật “sang chảnh” lên trang cá nhân và xem như một cách tự thưởng cho bản thân, để rồi chuyện rỗng ví hay vòng lẩn quẩn quanh chuyện lãnh lương - trả nợ trở thành chuyện thường ngày.
Tuy nhiên, một số bạn vẫn chấp nhận cách chi tiêu theo kiểu “nghèo sang chảnh”, Tú Uyên (24 tuổi, nhân viên bán hàng tại quận 1) chia sẻ: “Đôi giày nào miễn vừa chân thì mang được thôi, nhưng mang đôi giày hàng hiệu thấy thích hơn nhiều. Và chia sẻ tấm hình đôi giày tiền triệu mới mua lên mạng, cũng nhiều lượt like hơn hẳn, bạn bè trầm trồ, khiến bản thân mình cũng thấy vui và tự tin lắm chứ”.
Ngọc Tím (25 tuổi, ngụ quận 8) kể: “Cây son bình thường mình chụp hình chia sẻ lên mạng cũng không mấy ai quan tâm, nhưng tháng rồi mình để dành đầu tư hẳn cây son hàng hiệu, vừa chia sẻ hình ảnh lên trang cá nhân là bạn bè xúm vào like ngay, rồi bình luận hỏi giá tiền, chỗ mua, chất son ra sao. Ai cũng thích hình ảnh sang chảnh thôi, nên từ từ bị nghiện đồ hiệu cũng một phần là để sống ảo câu like”.
Bản thân từng chi tiêu theo kiểu “nghèo sang chảnh”, dồn hết tiền lương để mua sắm đồ hiệu, nên làm 2 năm trời mà không có khoản dư nào ngoài mớ giày dép, quần áo.
Chị Cẩm Tiên (27 tuổi, cố vấn quỹ đầu tư chứng khoán cho người trẻ tại quận 1) chia sẻ kinh nghiệm: “Khi cần tiền để học thêm lớp kỹ năng mà mình yêu thích, tôi mới bắt đầu tiết kiệm, thanh lý một số đồ dùng không cần thiết, lập bảng danh sách để cân bằng giữa tiền lương và số tiền chi cho việc tiêu dùng mỗi tháng, từ từ có một khoản dư. Sau đó, tôi tham gia các lớp học tìm hiểu thêm cách đầu tư tài chính, bắt đầu với vốn ít và tích lũy dần, có một khoản dư cho bản thân để dùng trong những việc cấp bách sẽ cần thiết hơn là mua sắm xa xỉ theo kiểu nghèo mà sang chảnh, đi làm cứ quanh quẩn chuyện lãnh lương rồi trả nợ thì không còn động lực mà làm việc nữa. Tôi nghĩ giá trị bản thân mỗi người có thể khẳng định qua cách sống, sự nỗ lực trong công việc, còn vẻ ngoài sang chảnh hay hào nhoáng không phải là giá trị bền vững”.