Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,5%-8,7%/năm. Hoạt động thi công các công trình xây dựng, giao thông hạ tầng kỹ thuật, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng... diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất, trong đó nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là bụi phát sinh từ quá trình nung, nghiền xi măng. Lưu lượng khí thải tại các cơ sở sản xuất xi măng khác nhau tùy thuộc vào công nghệ và chế độ vận hành.
Theo ước tính, trên 10 cơ sở sản xuất xi măng lớn trong cả nước có lưu lượng phát sinh khí thải khoảng 10,8 triệu m³/giờ. Theo quy định của Chính phủ, các cơ sở sản xuất clinker thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cần các biện pháp kiểm soát, giám sát đặc biệt.
Đối với các hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đổ chất thải xây dựng, mặc dù đã có quy định về bảo vệ môi trường nhưng việc thực hiện vẫn còn bất cập. Vật liệu bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm bụi rất trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Chất thải rắn xây dựng thải ra với số lượng lớn, trên diện tích rộng, nếu không được xử lý về lâu dài sẽ làm thay đổi tính chất thổ nhưỡng, đất đai, nguy cơ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thực vật, đồng thời ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái cảnh quan.