Dệt may Việt Nam đứng tốp 10 mức năng lượng tiêu thụ
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết một số thị trường nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… đã bắt đầu áp dụng rào cản kỹ thuật về môi trường để hạn chế nhập khẩu sản phẩm dệt may tại Việt Nam.
Đơn cử như rào cản carbon - theo đó DN tính toán mức tiêu thụ carbon, cũng như giảm thiểu phát thải carbon thông qua nhãn dán trên sản phẩm. Người tiêu dùng cũng sẽ được khuyến cáo để tiêu dùng những sản phẩm mà nhãn hiệu chỉ rõ DN đã thực hiện sản xuất xanh, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Trong thời gian tới, khi mức độ phổ quát của những rào cản trên được đẩy mạnh sẽ tác động rất mạnh đến ngành dệt may trong nước. Bởi, khảo sát gần đây do các tổ chức thế giới thực hiện đã chỉ rõ, công nghiệp dệt may Việt Nam đứng tốp 10 nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên toàn cầu.
Công nghệ in tự động, đáp ứng yêu cầu về tiết kiệm năng lượng
Lý giải thực tế trên, bà Nguyễn Thanh Mai, chuyên viên Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, cho biết cơ cấu sử dụng năng lượng của DN Việt Nam cho thấy chủ yếu là sử dụng năng lượng điện (chiếm 70%), năng lượng hóa thạch (29%) và còn lại là năng lượng sinh khối. Quy trình kiểm soát năng lượng và tiết kiệm năng lượng chưa được các chủ DN quan tâm. Nguyên nhân là do giá năng lượng điện tại Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Mặt khác, tại nước ta hiện chưa có tiêu chuẩn đánh giá và công nhận sản xuất bền vững trong lĩnh vực dệt may, nên chưa có cơ sở để các DN triển khai đối chiếu và thực hiện.
Cạnh tranh bằng năng lực “xanh” sẽ gay gắt
Ở góc độ DN, sản phẩm dệt may Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn về giá thành, chi phí sản xuất và tiêu chuẩn an toàn môi trường, sức khỏe người lao động.
Ngay các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, CPTPP, liên minh các nước châu Âu, Á - Âu… đã có hiệu lực và chuẩn bị có hiệu lực cũng đều có những điều khoản quy định bắt buộc về trách nhiệm xã hội, an toàn môi trường và lao động.
Mặt khác, trong đánh giá năng lực của DN đối tác, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã có tính toán đến việc ưu tiên lựa chọn những DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên thực tế, ngành dệt may có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên đến 30%. Ông Jorg Bauersachs, Tổng giám đốc Nhà máy nhuộm Tập đoàn Tal, cho biết từ năm 2009, nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải, nước thải… đã giúp công ty giảm 26% lượng khí thải, giảm 36% lượng nước cho áo quần sản xuất ra.
Từ những mô hình tiết kiệm năng lượng hiệu quả trên, cần thiết phải nhân rộng và triển khai cho các DN trong lĩnh vực dệt may nói riêng và lĩnh vực khác nói chung, để chủ động ứng phó rào cản kỹ thuật được các nước dựng lên ngày càng nhiều. Các DN phải chủ động tiếp cận chính sách, tổ chức đã và đang có chương trình hỗ trợ DN cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát sinh chất thải ra môi trường.
Các bộ ngành liên quan cần thiết phải xây dựng quy định tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu cho từng lĩnh vực; hình thành tín chỉ thương mại về carbon; thị trường mua bán tín chỉ carbon; tiêu chuẩn hiệu suất… Về tài chính cần có cơ chế bảo lãnh của các ngân hàng trong việc cho DN vay vốn.
Về lâu dài, cần có cơ chế hoạt động minh bạch cho các công ty dịch vụ năng lượng, công ty tìm kiếm giải pháp tài chính hỗ trợ DN triển khai giải pháp tiếp kiệm năng lượng, từng bước hình thành quỹ quay vòng vốn cho DN tiết kiệm năng lượng để tạo cơ hội cho DN vượt qua rào cản kỹ thuật, từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới
Dự án hỗ trợ DN thực hiện tiết kiệm năng lượng (thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) hiện đang phối hợp với Bộ Công thương hỗ trợ nâng cao năng lực tiết kiệm năng lượng cho các DN dệt may. Tham gia dự án này, ngoài việc được hỗ trợ tư vấn giải pháp kỹ thuật, DN còn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để triển khai dự án tiết kiệm năng lượng. Không dừng lại đó, vào tháng 6-2018, liên minh các DN dệt may bền vững sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ DN cải thiện môi trường sản xuất, giảm thiểu phát thải chất thải ô nhiễm môi trường.