Tại huyện Long Châu (phía Nam Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây), lá mía từng bị coi là phế phẩm, nay được các nhà máy chế biến thành thức ăn cho gia súc. Nông dân địa phương cho biết, lá mía và thân cây bắp ngô trước từng bị đem vứt bỏ hoặc đốt, nay được tận dụng trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, TP Thường Đức của tỉnh Hồ Nam (miền Trung Trung Quốc) gần đây đã tái chế rơm rạ và đem ủ thành thức ăn chăn nuôi. Giới chức TP Thường Đức cho biết, việc đốt rơm rạ sẽ để lại nhiều rác thải trên các cánh đồng và trở thành gánh nặng cho hệ sinh thái. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, tăng nguy cơ sâu bệnh cho cây trồng.
Thức ăn sinh học là thuật ngữ chỉ nguồn thức ăn và phụ gia mới an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và không để lại rác thải. Đây là sản phẩm của công nghệ sinh học hiện đại như công nghệ gene, protein, enzyme và kỹ thuật lên men. Nguyên liệu cho thức ăn sinh học rất phong phú, có thể tái tạo với chi phí thấp hơn những loại thức ăn chuyên biệt. Việc sử dụng thức ăn sinh học cũng hữu ích trong việc phát triển các nguồn thức ăn phi truyền thống và giảm chi phí gây giống. Điều này cũng giúp đảm bảo nguồn lương thực ổn định. Bên cạnh đó, loại thức ăn này cũng giảm thải các khí độc hại từ chất thải của gia súc và gia cầm, từ đó hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường, thúc đẩy xu hướng phát triển lành mạnh và bền vững của ngành sản xuất thực phẩm chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, công nghệ lên men sinh học đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả sử dụng thực phẩm chăn nuôi, cũng như tăng cường sức khỏe động vật. Thức ăn chăn nuôi cho heo là một ví dụ. Giáo sư Wang Yizhen của Đại học Chiết Giang cho biết, thức ăn lên men sinh học là loại sản phẩm có hoạt tính sinh học, chứa các vi khuẩn có lợi và chất chuyển hóa. Quá trình lên men vi khuẩn có thể cải thiện khả năng chuyển hóa thức ăn thông qua việc thay đổi đặc tính vật lý và hóa học của các thành phần trong thức ăn chăn nuôi. Loại thức ăn lên men sinh học này có thể cải thiện hoạt động của ruột và làm tăng khả năng miễn dịch nhờ các vi khuẩn có lợi, giúp đảm bảo gia súc phát triển khỏe mạnh và thúc đẩy sản xuất chất lượng cao.
Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi phải khắt khe và nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo được sự bền vững của thức ăn và thành phần phối trộn không bị thay đổi qua quy trình sản xuất cũng như giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển, sử dụng và bảo quản. Trung Quốc coi trọng việc phát triển ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi sinh học. Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp đang sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng công nghệ lên men sinh học tại nước này. Theo Giáo sư Wang, việc Trung Quốc triển khai các chính sách và thiết lập các tiêu chuẩn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành này, với sản lượng hàng năm vượt mức 4 triệu tấn.