Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, thanh long với diện tích khoảng 55.000ha và sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD, là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước yêu cầu cao về sản phẩm phải sản xuất giảm phát thải, phát triển bền vững. Cho nên, thanh long cần phải có hành lang pháp lý, quy trình sản xuất giảm phát thải nhưng đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu.
Nhiều nông dân sản xuất thanh long giảm phát thải |
Theo đại diện UNDP tại Việt Nam, qua khảo sát, người tiêu dùng châu Âu phần lớn đều lựa chọn thực phẩm có nhãn giảm phát thải. Do đó, thanh long cần phải sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất xanh, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.
Từ năm 2020 đến nay, UNDP đã hỗ trợ chương trình chuyển đổi xanh để thanh long trở thành chuỗi giá trị xanh cho nhiều nông dân, hợp tác xã và kết quả đã đạt chất lượng cao hơn. Thanh long đã sản xuất theo quy trình về tưới tiêu tiết kiệm trước tình hình biến đổi khí hậu, chiếu sáng ra hoa sử dụng đèn led để tiết kiệm năng lượng. Đáng chú ý, nhiều nông dân đã thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc trên điện tử để tăng thêm giá trị của thanh long khi đưa ra thương mại trên thị trường và tham gia chuỗi giá trị cấp toàn cầu.