Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TPHCM, TP có tổng diện tích đất nông nghiệp 118.052ha, chiếm tỷ trọng 56,3% so với tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn.
Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ cao, công nghệ 4.0, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị với mức tăng trưởng duy trì bình quân hàng năm đạt 5,6%. Tính đến tháng 5-2020, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm từ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của TP như bò sữa, tôm, rau sạch, hoa lan, cây cảnh, cá kiểng, chương trình phát triển giống cây trồng vật nuôi đang đẩy mạnh và có bước phát triển mạnh để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa chuyển sang cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có hiệu quả cao.
Các loại hình khởi nghiệp của nông dân với trên 5.000 trang trại hộ gia đình, 104 HTX và gần 294 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, các làng nghề truyền thống ở nông thôn đang dần được phục hồi, tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn còn hạn chế vì những nguyên nhân sau: Việc thu hút đầu tư những trung tâm thương mại, siêu thị, chợ còn chậm; việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương chưa được phát huy, do các doanh nghiệp chưa đảm bảo các tiêu chí quy chuẩn về mẫu mã bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng; an toàn sản phẩm để đảm bảo các yêu cầu được cung ứng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tuy có giảm nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp.
Việc đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do hầu hết các mặt hàng của cơ sở sản xuất, HTX tại các quận huyện còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng thương hiệu, chưa quan tâm để quảng bá sản phẩm hàng hóa. Với quy mô nhỏ lẻ, rất khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối.
Phương thức sản xuất kinh doanh khá đơn giản, chưa thực sự chủ động giao thương với nhà phân phối. Kiến thức của các đơn vị sản xuất còn hạn chế, như chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quảng cáo… hay sự liên kết hợp tác để cùng nhau kinh doanh cho có hiệu quả.
Trên cơ sở những hạn chế trên, Hội Nông dân TP trong những năm qua đã tập trung phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (qua hội chợ, chợ phiên, triển lãm…); tham gia kết nối cung cầu các tỉnh thành, trong đó ưu tiên hàng đầu hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi thực phẩm an toàn, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất nuôi trồng đến hoạt động phối hợp; phát triển nông nghiệp ở ngoại thành theo hướng thân thiện với môi trường, cụ thể hóa quy hoạch cho từng khu vực cụ thể.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho rằng, để tạo thuận lợi cho sản xuất cần tăng cường mối quan hệ thông tin giữa những nông dân trực tiếp sản xuất với các nhà khoa học, đặc biệt đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành nông sản.
Việc đề ra các giải pháp giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cần thiết và cấp bách, giúp cho nông dân, trang trại, HTX, nhà sản xuất có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, thông qua hệ thống phân phối có uy tín của TP. Qua đó giảm bớt khâu trung gian tiêu thụ, giúp người sản xuất yên tâm về giá cả, phân phối kiểm soát được chất lượng, từ đó giúp bình ổn thị trường.