Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): Áp dụng chế tài đủ mạnh
Thời gian qua, nông dân ở một số địa phương tiếp tục chuyển đổi sang trồng sầu riêng khi giá sầu riêng lên cao. Tuy nhiên, giá sầu riêng vẫn có những lúc lên xuống thất thường. Nếu các địa phương không tuân thủ đúng quy hoạch được khuyến cáo thì nguy cơ “được mùa mất giá” có thể sẽ lại tái diễn. Nếu cứ tình trạng ồ ạt chạy theo tín hiệu thị trường, loại nông sản nào đang có giá cao là đổ xô trồng như hiện nay thì sẽ phá vỡ quy hoạch.
Bộ NN-PTNT đã nhiều lần ban hành văn bản gửi các địa phương đề nghị khuyến cáo bà con ở các vùng như ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên không nên ồ ạt trồng sầu riêng. Từ năm 2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến tận năm 2030. Trong đó, Bộ NN-PTNT khuyến cáo đến năm 2030 diện tích sầu riêng của nước ta cũng chỉ nên đảm bảo ở mức diện tích khoảng 65.000-75.000ha, sản lượng chỉ khoảng 830.000-950.000 tấn và chỉ tập trung tại một số địa phương cụ thể ở ĐBSCL (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Đề án chỉ có tính định hướng, cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước như Bộ NN-PTNT không có quyền cấm bà con trồng loại cây này hay loại cây kia; việc quyết định trồng, đầu tư cây gì là quyền tự quyết của người nông dân, doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các địa phương cũng có thể áp dụng một số chế tài nếu xảy ra tình trạng chuyển đổi đất sai mục đích sử dụng. Định hướng của Bộ NN-PTNT là không nên mở rộng diện tích với những loại trái cây đã được quy hoạch, nhất là tại những khu vực có điều kiện khí hậu, đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương nên tập trung vào những loại nông sản là thế mạnh của địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất tập trung; các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư nhiều hơn cho chế biến sâu với quy mô phù hợp, đóng gói xuất khẩu, khai thác thị trường mới, thay vì chạy theo phong trào, xu thế ngắn hạn…
Nhìn rộng ra, không chỉ với cây sầu riêng mà với nhiều loại nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, mít, dứa, thanh long, các loại cây có múi… hiện nay cũng hầu như vượt quy hoạch, cần phải điều chỉnh, kiểm soát. Bộ NN-PTNT đã xác định 14 loại cây ăn trái chủ lực làm hàng hóa để xuất khẩu, nhưng các địa phương có thể phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… riêng, không nên chạy theo các địa phương khác. Bộ NN-PTNT cũng không quy hoạch cứng nhắc, rập khuôn mà sẽ cập nhật, bổ sung vào quy hoạch những loại cây trồng có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, để không phá vỡ quy hoạch với một số loại cây trồng chủ lực thì cũng cần tăng tính pháp lý của quy hoạch, xây dựng và áp dụng những chế tài đủ mạnh để các địa phương tăng cường trách nhiệm giám sát.
Ông TRẦN VĨNH NGHI, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng: Phải kịp thời định hướng
Để việc quy hoạch vùng trồng phát huy hiệu quả, hạn chế tình trạng trồng trọt tự phát, không theo định hướng, trước tiên chính quyền cơ sở phải làm tốt công tác quản lý, định hướng sản xuất. Ở Sóc Trăng, hàng năm, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, theo đó nơi nào được quy hoạch, khoanh định nuôi con gì, trồng cây nào đều nêu rõ cụ thể.
Ở hai cấp huyện và xã, nếu chính quyền địa phương phối hợp ngành nông nghiệp, các tổ hợp tác, lực lượng khuyến nông… sâu sát nông dân, phổ biến, truyền thông đầy đủ vùng quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương, bà con nông dân sẽ thực hiện tốt và đương nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao, giảm rủi ro trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần hình thành những kênh dự báo thị trường uy tín và tăng cường truyền thông, kết nối, để người dân tham khảo, quyết định lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như nhu cầu thị trường.
Ông LỮ QUANG NGỜI, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; tập trung chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng MSVT, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản. Nhất là có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và CSĐG theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Song song đó, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thiết lập và quản lý MSVT, mã số CSĐG theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản của từng thị trường tiêu thụ; triển khai các giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho nông sản của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Tiến sĩ VÕ HỮU THOẠI, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Chưa có cơ chế bắt buộc trồng theo quy hoạch vùng
Quy hoạch vùng trồng có 2 loại: quy hoạch có sẵn cây trồng và ngành chức năng thực hiện quy hoạch lại. Có sản lượng sẵn, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu mua, kho lạnh, sơ chế chế biến. Tuy nhiên, nhà nước phải tạo điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối, nhất là vấn đề cầu, đường. Vì hiện nay vùng nông thôn đường rất nhỏ, xe tải khó đi vào, đặc biệt cầu hẹp và trọng tải thấp nên doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong vấn đề thu mua nông sản. Bên cạnh đó, hệ thống điện cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp sử dụng kho lạnh cũng như đầu tư cơ sở chế biến nông sản…
Cây giống không đồng đều, nhiều loại giống khác, cũng rất khó khăn cho các doanh nghiệp về thu mua. Kiến thức, kinh nghiệm người dân có nhưng họ còn bảo thủ, khó tiếp nhận thông tin mới. Khi cán bộ ngành nông nghiệp đưa những tiến bộ kỹ thuật mới họ tiếp thu nhưng cẩn trọng và khó thực hiện theo, do họ nghĩ mình đã làm nhiều năm có tích lũy kinh nghiệm.
Còn đối với vùng trồng mới, ngành chức năng hướng dẫn như thế nào thì người dân thực hiện theo. Qua đó, người dân được hỗ trợ giống, phân thuốc, vay vốn và được tập huấn đào tạo, khâu chăm sóc kỹ thuật tỉa cành tạo tán bài bản… Nhà nước dễ dàng quy hoạch đường giao thông, cơ sở hạ tầng tốt hơn. Tuy nhiên, vùng quy hoạch mới khó kêu gọi đầu tư do chưa có sản lượng. Chính vì vậy, khi quy hoạch vùng trồng mới, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành chức năng; người dân cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp cho cây phát triển đồng đều cho sản lượng đạt tiêu chuẩn. Khi đó mới kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, quy hoạch cũng chỉ là trên lý thuyết, thực tế đất là của người nông dân, nếu khả năng tài chính của người dân chưa đáp ứng được, họ tập trung lo bữa ăn hàng ngày thì họ chỉ biết trồng cây gì có hiệu quả liền, thấy giá cây này tăng thì “chạy đua” cải tạo đất trồng theo với hy vọng thu nhập khá hơn, thậm chí kiến thức nông nghiệp chưa có... Nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn nữa, khuyến cáo, phổ biến, tập huấn kiến thức mới để người dân nắm bắt và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thật tốt để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Hiện nhà nước vẫn chưa có cơ chế bắt buộc người dân phải trồng đúng theo quy hoạch vùng trồng đã đề ra, nên đối với quy hoạch vùng trồng vẫn còn nhiều bất cập.