Sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch: Thiệt đơn, thiệt kép - Bài 2: Bài học nhãn tiền về… chuối, gạo

Trước sầu riêng, nhiều loại cây trồng khác của nước ta cũng liên tục được giá rồi mất giá, phải kêu gọi “giải cứu”, điển hình là chuối và gạo… Thế nhưng không hiểu sao, đó vẫn chưa là bài học cho ngành nông nghiệp!

Thấp thỏm được, mất

Đồng Nai hiện là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước với khoảng 14.000ha, chủ yếu là giống chuối già hương cấy mô xuất khẩu. Trước năm 2016, diện tích chuối già hương chỉ khoảng 100ha, nhưng do giá tăng cao, nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, thương lái vào tận vườn mua đã khiến “nhà nhà trồng chuối”. Nhiều hộ nông dân còn chặt bỏ cả tiêu để chuyển sang trồng chuối, nên chỉ một năm sau, diện tích chuối già hương đã tăng hơn 600ha khiến cung vượt cầu. Chuối ế không bán được làm cả tỉnh, cả nước đã phải ra tay... “giải cứu”.

Đó là thời điểm năm 2017, thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối già hương cấy mô từ Việt Nam, người trồng chuối ở Đồng Nai lao đao vì chuối chín không tiêu thụ kịp thời, dẫn đến hư hỏng. Chuối rớt giá chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn ngó lơ, nhà vườn đành để chuối chín rụng hoặc mang cho bò, dê ăn. Tỉnh Đồng Nai phải thành lập một ban chỉ đạo “giải cứu chuối”, kêu gọi các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức tiêu thụ chuối giúp dân. Thông qua mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… phải ra tay tiêu thụ “chuối nghĩa tình” giúp nông dân Đồng Nai.

W5a.jpg
Người dân huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai từng nhiều phen khốn đốn vì chuối chết hàng loạt. Ảnh: HOÀNG BẮC

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2018, giá chuối liên tục tăng, thương lái từ các tỉnh phía Bắc cùng thương lái Trung Quốc vào tận vườn cam kết bao tiêu, thu hoạch, đóng gói vận chuyển thẳng sang Trung Quốc, khiến giá chuối tăng từ 10.000 đồng/kg đầu vụ lên 14.000-15.000 đồng/kg, khiến thị trường chuối già hương ở Đồng Nai lên “cơn sốt”. Có người trúng đậm như trường hợp ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất), trồng 10ha chuối lãi khoảng 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Từ đó, diện tích trồng chuối tăng vọt trở lại. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phải ra cảnh báo việc trồng chuối theo phong trào sẽ dẫn đến dư thừa nguồn cung, dễ lập lại câu chuyện chuối ế như những năm trước. Song với việc giá chuối tăng cao, người dân đua nhau tăng diện tích trồng, nguy cơ chuối bị dội chợ vẫn rất cao!

Trong đợt hạn mặn vừa qua, tại Sóc Trăng có hơn 1.000ha lúa đông xuân muộn bị chết khô, gần 40.000ha lúa khác bị giảm năng suất. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, nguyên nhân gây thiệt hại nặng là do nông dân sản xuất lúa “cực đoan”, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. “Từ giữa năm 2023, khi các chuyên gia, cơ quan khí tượng dự báo dưới tác động của El Nino, mùa khô 2023-2024 hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương khuyến cáo, vận động nông dân không xuống giống vụ đông xuân muộn, có thể chuyển đổi cây trồng khác để né hạn mặn. Tuy nhiên, do sản xuất theo tập quán, lại tranh thủ giá lúa tăng cao, một bộ phận nông dân vẫn bất chấp xuống giống. Hậu quả, hầu hết diện tích lúa đông xuân muộn bị thiệt hại nặng”, ông Nhã cho hay.

Rút kinh nghiệm để tránh "giải cứu"

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, qua vụ việc hàng ngàn hécta lúa đông xuân muộn bị chết khô, giảm năng suất, ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc lại với các địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo quy hoạch. Bên cạnh đó, để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vào mùa khô, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhân rộng các mô hình đưa hoa màu xuống chân ruộng. Mô hình này bước đầu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro do xâm nhập mặn.

Còn tỉnh Đồng Nai cũng đã tập trung vào công tác quy hoạch, hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ, đăng ký mã số vùng trồng để tham gia vào thị trường chuối xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước qua hệ thống các siêu thị bán lẻ. Cụ thể, huyện Trảng Bom có diện tích chuối già hương lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, rút ra kinh nghiệm từ những năm trước, nông dân đã hợp đồng bán chuối thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp có chức năng phân phối, xuất khẩu. Hiện toàn huyện có khoảng 6.000ha chuối già hương, gần bằng với diện tích của cả tỉnh Đồng Nai cách đây 7 năm, và điều đáng mừng là nông dân đã đi vào sản xuất bài bản hơn.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết: “Năm 2024, các nước Lào, Campuchia cũng mở rộng diện tích trồng chuối và ngay cả các tỉnh Tây Nguyên cũng trồng nhiều nên xuất khẩu có chậm lại, nhưng bà con nông dân đã rút kinh nghiệm, nhiều diện tích được chuyển qua sản xuất theo lối hữu cơ để hạn chế dịch bệnh gây hại như dịch sáp, hoặc đăng ký mã vạch để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, nên chưa tái diễn tình cảnh dư thừa phải “giải cứu” như trước. Về phía huyện, sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành của tỉnh kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, định hướng bà con chuyển sang sản xuất hữu cơ; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp thu mua - tiêu thụ có uy tín để ổn định giá; đảm bảo cân đối đầu ra đầu vào; vận động bà con ổn định diện tích cây trồng, không tăng diện tích cây chuối để không ảnh hưởng đến các cây trồng khác và đảm bảo các yêu cầu kiểm dịch - an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương”.

Ông TRƯƠNG CÔNG TƯỜNG, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cây ăn trái Minh Tường (Kiên Giang):

Nông dân phải nhận thức đúng, không sản xuất tự phát

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan tại ĐBSCL, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao là cần thiết. Tuy nhiên, hơn ai hết, nông dân - chủ thể trực tiếp trong sản xuất, cần phải thận trọng, tham khảo ý kiến của hợp tác xã, các tổ khuyến nông của địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, phải tuân thủ quy hoạch vùng trồng, khuyến cáo, định hướng của địa phương, ngành nông nghiệp, tuyệt đối không sản xuất theo tập quán, cảm tính, theo thói quen, mang tính tự phát để hạn chế rủi ro phát sinh, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững. Để nông dân có nhận thức đúng, có đầy đủ kiến thức nhằm đánh giá thị trường chính xác, sản xuất nông nghiệp hiệu quả, không gây tác động tiêu cực đến xã hội, các hoạt động gắn với nông dân của ngành nông nghiệp như tập huấn kỹ năng sản xuất; định hướng thị trường… cần phải được tăng cường nhiều hơn về số lượng, cũng như chất lượng.

Theo đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam, vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá”, “chặt - trồng - chặt” trong ngành nông nghiệp lâu nay là hậu quả của tình trạng nông dân gieo trồng tự phát, cực đoan, không theo quy hoạch, khuyến cáo và định hướng của ngành chức năng. Mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực tuyên truyền vận động nông dân cân nhắc kỹ trước khi quyết định trồng cây gì, nhưng cần có thêm các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa. Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đã có kiến nghị, ngành chức năng cần có chính sách khống chế diện tích cây trồng để đảm bảo đầu ra được ổn định.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để ngăn chặn tình trạng trồng trọt, sản xuất theo phong trào, tự phát, hàng năm, tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng địa phương trên cơ sở định hướng Đề án Chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng công bố, phổ biến rõ quy hoạch vùng trồng, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân trồng trọt theo quy hoạch.

“Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở các hình thức trên, việc ngăn chặn tình trạng sản xuất “cực đoan”, tự phát, không theo quy hoạch e khó mang lại kết quả như ý”, ông Mẫn nhìn nhận. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần thiết phải có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh hơn, chẳng hạn phải có quy định chế tài. Tùy từng loại cây trồng, hậu quả để lại, tác động đối với thị trường khi nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, mà có hình thức xử lý thích hợp. Có như vậy mới mong ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất nông nghiệp tự phát, manh mún.

Theo thống kê, năm 2023 cả nước có 154.180ha diện tích trồng chuối, trong đó Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất với hơn 14.000ha, chiếm 8,5% và cũng là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất của vùng Đông Nam bộ, chiếm 70% diện tích toàn vùng. Năm 2023, Đồng Nai xuất khẩu gần 121.000 tấn chuối, đạt giá trị 1.149 tỷ đồng và đây là năm đầu tiên Đồng Nai xuất khẩu chuối tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 31 vùng trồng chuối được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.600ha.

Tin cùng chuyên mục