Hiệu quả bước đầu
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, giá trị cốt lõi của Đề án là tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Qua đó gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập cho nông dân và các chủ thể trong chuỗi sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Để sớm hiện thực hóa Đề án, yêu cầu đặt ra là nông dân phải tham gia vào các hợp tác xã (HTX), 100% diện tích lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Từ vụ Đông Xuân 2023-2024, Long An tổ chức sản xuất lúa theo Đề án với tổng diện tích hơn 23.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng... Theo đó, HTX nông nghiệp ở các huyện này được chọn làm điểm. Đến nay, tất cả diện tích làm thí điểm đều đã thu hoạch và đạt kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn, cho biết, những năm qua, HTX là đơn vị được địa phương chọn sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng lớn, liên kết 4 nhà, kết hợp thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để dần xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nhờ kiên trì tuân thủ các quy trình canh tác tiến bộ mà lượng giống, phân bón… giảm hơn trước đây. Trong vụ Đông xuân vừa qua, HTX giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha (trước đó là 100kg), áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... Nhờ đó, giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cao hơn khoảng 30% so với sản xuất lúa truyền thống. Bà con nông dân trong HTX cũng không còn đốt đồng sau khi thu hoạch như trước, mà sử dụng máy cuốn rơm, cày vùi rơm rạ để cải tạo đất….
Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) cho biết, hiện HTX có trên 1.150ha lúa, tất cả đều ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 50ha sản xuất lúa giống, khoảng 100ha trồng lúa chuẩn VietGAP để xuất sang châu Âu, số còn lại sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và được doanh nghiệp bao tiêu. Hiệu quả của việc trồng lúa sạch, đạt tiêu chuẩn châu Âu cho năng suất không giảm, lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất lúa truyền thống trên 4 triệu đồng/ha. Cũng theo bà Diệu Ngân, những tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính của Đề án đưa ra đã được HTX thực hiện qua 3 vụ lúa và đang tiếp tục nhân rộng ra nhiều thành viên và nông dân liên kết với HTX. Hiện nay, HTX cùng với doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ và quản lý chất lượng sản phẩm, nông dân chỉ có nhiệm vụ sạ lúa, diệt ốc, diệt cỏ, bón phân; việc phun chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật là do doanh nghiệp thực hiện theo định kỳ.
Nhân rộng mô hình
Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, năm 2024, huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An triển khai thực hiện mô hình điểm 15ha theo mô hình sản xuất lúa bền vững, tiên tiến tại HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh), với 4 hộ dân tham gia. Những hộ này sử dụng giống lúa OM18 để gieo sạ. Họ sử dụng máy sạ hàng khí động hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 145/QĐ-TT-CLT ngày 27-3-2024 của Cục Trồng trọt. Theo đó, nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ là 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Ngoài ra, việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm phát thải. Hiện lúa đang phát triển tốt.
Theo Sở NN-PTNT Long An, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 60.000ha lúa chất lượng cao được thực hiện theo Đề án và đến năm 2030 là 120.000ha. Để đạt mục tiêu trên, ngay trong vụ Đông xuân 2024-2025, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện 8 mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh nằm trong Đề án trên tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, trên nền tảng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đã xây dựng 3 năm qua, tỉnh đang quyết tâm thực hiện Đề án theo đúng kế hoạch. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương được chọn làm điểm, các ngành chức năng liên quan tập trung triển khai, tổ chức sản xuất đúng và đủ các điều kiện, tiêu chí. Đồng thời, quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của các HTX để làm tốt vai trò đầu mối trong liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án.