Sản xuất kinh doanh từng bước phục hồi

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nối tiếp là biến động giá xăng dầu, lạm phát, nhu cầu tiêu thụ suy giảm chung trên toàn thế giới, nhưng với các giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đang dần phục hồi, dự báo sự tăng trưởng tích cực trong cả năm.
Công nhân Công ty Earth Corporation Vietnam trên dây chuyền hoàn thiện sản phẩm

Công nhân Công ty Earth Corporation Vietnam trên dây chuyền hoàn thiện sản phẩm

Lấy lại đà tăng trưởng

Từ đầu năm 2023 đến nay, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong, ngoài nước, cùng với đó là chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành kịp thời, đã giúp sản xuất kinh doanh từng bước lấy lại đà tăng trưởng, nhất là ở các lĩnh vực thế mạnh, như: công nghiệp - xây dựng - dịch vụ.

Tính riêng tỉnh Bình Dương, tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 3,76% so với cùng kỳ, khu vực kinh tế quan trọng là công nghiệp và xây dựng đều có sự tăng trưởng (gần 3%) và vốn đầu tư ước thực hiện gần 70.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực có vốn FDI đạt hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 6,8%.

Từ đầu tháng 6-2023, nhiều ngành hàng đã nhận được đơn hàng gia công, xuất khẩu như tại Công ty gỗ Minh Phát 2 (TP Thuận An) nhận đơn đặt hàng phát triển mẫu sản phẩm gỗ nội thất mới, số lượng khá nhiều, giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy đơn hàng, công nhân làm việc luân phiên như trước đây; hay như ở Công ty TNHH Earth Corporation Vietnam (KCN Nam Tân Uyên, chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm), có sự tăng trưởng tích cực khi đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 200 tỷ đồng so với năm 2022, hướng tới tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Tại tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh đạt hơn 115.900 tỷ đồng (tăng 4,01%, cao hơn mức tăng của cả nước), giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,65% so cùng kỳ và hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh khi sức mua dần tăng trở lại, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng, các đơn vị kinh doanh tiếp tục mở rộng thị trường giao thương hàng hóa. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng GRDP (trừ dầu khí) tăng 2,41% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 6,77%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,13% và ngư nghiệp tăng 4%.

Điểm sáng ngành du lịch

Trong bức tranh chung kinh tế - xã hội Đông Nam bộ, đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng của lĩnh vực du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tây Ninh thu hút gần 3,5 triệu lượt du khách, tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch; tổng doanh thu du lịch đạt 1.450 tỷ đồng, đạt hơn 80% so với kế hoạch và tăng hơn 70% so với cùng kỳ; điểm đến ấn tượng nhất là khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, thu hút tới hơn 80% lượt khách.

Để đạt được kết quả này, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức và tham gia các chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch, hội thảo, diễn đàn cấp khu vực, tạo ấn tượng tốt với du khách như: Lễ hội văn hóa, ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2023; Không gian trưng bày văn hóa, ẩm thực các tỉnh vùng Đông Nam bộ tại Phước Long - Bình Phước; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2023; tham gia Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 19 năm 2023; tổ chức chương trình famtrip kết nối du lịch giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, qua đó giới thiệu quảng bá du lịch, các tour, tuyến, các loại hình, dịch vụ du lịch của 2 địa phương.

Ngành du lịch tỉnh Bình Dương cũng có kết quả hoạt động khá ấn tượng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 165.000 khách quốc tế, với tổng doanh thu ước hơn 900 tỷ đồng, đạt 56,25% so kế hoạch và đạt 133,5% so với cùng kỳ; phần lớn là doanh thu dịch vụ lữ hành, khách sạn. Hoạt động du lịch cũng tiếp tục có nhiều khởi sắc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng lượt khách lưu trú tăng 19,08%, trong đó, khách lưu trú quốc tế tăng 50,4% so với cùng kỳ.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các sở ngành tiếp tục giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với việc cấp phép những dự án thuộc thẩm quyền, ngành chức năng phải nhanh chóng xem xét giải quyết, riêng Ban quản lý các KCN tỉnh cần khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để UBND tỉnh xem xét thông qua, thúc đẩy quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục