Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc và Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhằm hỗ trợ ngành cao su nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu bền vững.
Theo VRA, năm 2019 diện tích cao su 941.300ha, trong đó có 479.600ha từ các hộ tiểu điền, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước. Năm 2019, xuất khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su trị giá hơn 2,38 tỷ USD. Qua đó, ngành gỗ cao su đóng góp 22% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Việc tuân thủ VNTLAS sẽ có tác động lớn đến ngành cao su, đặc biệt là các hộ tiểu điền.
Dự án còn có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp từ đánh giá tổng quan ngành gỗ cao su Việt Nam đến xác định thách thức, khó khăn và xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các hộ tiểu điền, doanh nghiệp. Ngoài ra, dự án sẽ nâng cao năng lực về VNTLAS cho VRA, hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung cấp gỗ cao su trong thực hiện theo các tiêu chí của VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản với Liên minh Châu Âu. Dự án sẽ đánh giá khả năng tuân thủ các yêu cầu từ VNTLAS của các hộ tiểu điền cung cấp gỗ cao su cho chuỗi cung gỗ tại Việt Nam.