Trong đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá. Lũy kế 10 tháng ước tăng 7,85% (cùng kỳ tăng 7,75%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao nhất, ước tăng 8,03% (cùng kỳ tăng 7,81%), bốn ngành công nghiệp trọng yếu khác là ngành hóa chất - cao su - nhựa, ngành sản xuất điện tử, ngành dêt may và da giày có mức tăng thấp hơn, ước đạt 7,77%.
Về thị trường bán lẻ và thương mại dịch vụ, trong tháng 10 cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 90.546 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 10-2017. Lũy kế 10 tháng ước đạt 860.358 tỷ đồng, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng 11,59%). Còn với kim ngạch xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 7,1% (cùng kỳ năm 2017 tăng 15,7%). Trong đó, nếu tính riêng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố thì ước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 12,56%).
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết với những kết quả đạt được cho thấy, tình hình thị trường trong nước đang trên đà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, những nỗ lực tháo gỡ khó khăn khơi thông nguồn vốn, rà soát, hỗ trợ mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác như cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư... của thành phố cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả nhất định.
Trong thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND TPHCM tập trung triển khai chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, tập trung 5 nhóm chính sách hỗ trợ như mặt bằng; cơ chế vốn; khoa học - công nghệ; đào tạo nhân lực; xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. Riêng với doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được xem xét để được hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng và đầu tư công nghệ sản xuất mới với thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vốn vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, thời điểm 2 tháng còn lại cũng là cao điểm chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Do vậy, Sở Công thương phối hợp các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ tết. Song song đó, làm việc với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường sẽ chiếm 30% - 40% thị phần cung ứng hàng hóa trong dịp tết trên.