Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 4 vừa khai mạc tại Vĩnh Long, với chủ đề “Phát triển bền vững nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam”. Điều mà có lẽ nông dân kỳ vọng ở một festival lúa gạo với hơn 800 gian hàng của 665 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia là sẽ đưa ra nhiều giống lúa mới, gạo ngon…, vậy mà tại đây, các sản phẩm thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp như quần áo, bánh kẹo, đồ gỗ lại áp đảo.
Đây là lần thứ 4 festival lúa gạo được tổ chức, nhằm quảng bá thương hiệu gạo Việt vươn tầm châu lục. Đáng lưu ý là festival lần thứ 3 vào năm 2013, tỉnh Đồng Tháp đã từ chối tổ chức.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, thời điểm đó, kinh phí tổ chức festival lúa gạo dự kiến khoảng 20 tỷ đồng và không sử dụng ngân sách, trong lúc doanh nghiệp đang làm ăn rất khó khăn, vận động số tiền này không hề dễ, còn làm doanh nghiệp bức xúc. Mãi đến cuối năm 2018, Long An mới đăng cai.
Đến mùa thứ 4 này, được sự phối hợp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Long đăng cai, nhưng khâu tổ chức khá nghiệp dư so với những lần trước. Kể cả thư mời cho báo chí cũng chỉ được gửi vào buổi chiều 12-12, đêm trước khai mạc. Cách mời là chụp hình thư mời, thiết lập một group Zalo rồi gửi hình cho các phóng viên theo kiểu “biết người nào mời người nấy”. Khó coi hơn nữa, ban tổ chức còn thu vé 20.000 đồng/khách đến tham quan vào buổi tối.
Theo một vị lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, ban tổ chức chỉ thu vé vào buổi tối vì kinh phí tổ chức lễ hội được xã hội hóa hoàn toàn từ một công ty, do đơn vị này mời các ca sĩ ngôi sao ở TPHCM, mỗi đêm là một dàn ca sĩ khác nhau biểu diễn văn nghệ nên phải thu phí, còn buổi sáng hoàn toàn miễn phí. Từ việc đóng phí tham quan, người dân đã chia sẻ lên mạng xã hội, bày tỏ sự không hài lòng.
Một thông tin khác cũng kém vui, là gần một năm kể từ khi logo thương hiệu gạo Việt được công bố (tháng 12-2018), đến nay vẫn chưa có lô gạo nào của nước ta được doanh nghiệp xuất khẩu gắn logo thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sau khi công bố logo thương hiệu gạo Việt, Bộ NN-PTNT đã tiến hành đăng ký thương hiệu qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Đây là hệ thống quốc tế chính để tạo điều kiện cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại các nước trên thế giới, nhưng đến thời điểm này, quá trình đó vẫn đang tiến hành và hồ sơ logo vẫn chưa được thông qua.
Theo một số chuyên gia, các bộ ngành, địa phương nên tập trung thực hiện các giải pháp mà Thủ tướng đã chỉ ra về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thay vì tổ chức những chương trình thiếu sự đầu tư chỉn chu như festival lúa gạo vừa qua.