Giảm giá... 90%
Háo hức chia sẻ bộ dụng cụ sửa chữa đa năng 46 chi tiết đặt mua trên Temu giảm giá hơn 64% còn 185.456 đồng, anh Nguyễn Phước (ngụ tại quận 3, TPHCM) cho biết, giá tốt, đơn hàng miễn phí vận chuyển và giao trong thời gian 6 ngày. Trên app cập nhật tình trạng đơn hàng, người giao hàng và số điện thoại để người mua tiện theo dõi. “Thanh toán tiền trước bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay khá tiện. Trường hợp giao trễ sẽ được đền bù 25.000 đồng, hoàn tiền nếu 30 ngày không giao hàng. Tôi thấy giá rẻ nên đặt mua để trải nghiệm”, anh Phước nói.
Chị Lê Hồng (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng đã đặt mua 41 món hàng trên Temu với giá khuyến mãi tổng cộng chỉ còn 753.000 đồng, trong khi nguyên giá lên tới 3,6 triệu đồng. Hàng hóa được miễn phí vận chuyển.
Tương tự, bạn Nguyễn Hải Ngọc (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết đã đặt mua một số mặt hàng trên Temu giảm giá lên tới 90%. “Giá bán rất rẻ. Mục đánh giá sản phẩm có hiện rõ quốc gia của những khách hàng đã mua trước đó như Mỹ, Anh, Canada, Nhật,... nhằm tránh trường hợp đánh giá ảo”, Hải Ngọc nhận xét.
Các sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử Temu có đủ “thượng vàng, hạ cám”, gồm quần áo thời trang, đồ dùng văn phòng, thiết bị dịch giọng nói tức thì, máy in, điện thoại… có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, tùy loại. Đáng chú ý có những món siêu rẻ, ví dụ như tai nghe iPhone, dây cáp sạc iPhone chưa tới 40.000 đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng khoảng 500.000 đồng/chiếc.
Tại sao lại có mức giá siêu rẻ như vậy? Theo lý giải của một số chuyên gia, các sàn thương mại điện tử nước ngoài, trong đó có Temu, đưa ra mức giá rất thấp do họ đã hỗ trợ chi phí vận chuyển cho khách nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và giữ giá sản phẩm ở mức cạnh tranh với đối thủ, loại bỏ khâu trung gian (nhập khẩu, phân phối…) để cung ứng trực tiếp hàng hóa từ nhà sản xuất đến tận tay người dùng...
Doanh nghiệp nội “bó gối”
Chia sẻ với PV Báo SGGP chiều 24-10, bà Thái Trang, tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TPHCM) cho rằng mức giá bán quá rẻ từ các sàn thương mại điện tử đã “triệt đường sống” của doanh nghiệp nội địa. “Đó là mức rẻ không tưởng, kiểu tung khuyến mãi đậm để lấy thị phần, bóp chết doanh nghiệp nhỏ lẻ của nước ta. Quần, áo thành phẩm từ xưởng may như chúng tôi có giá thành không thể thấp hơn 200.000 đồng/chiếc và bán ra thị trường phải trên mức này mới có chút lời. Thế nhưng các sàn có thể bán chỉ khoảng 100.000 đồng/chiếc, các doanh nghiệp và cơ sở may trong nước không hình dung ra nổi”, bà Thái Trang nói.
Tổng giám đốc Công ty Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho biết thêm, một hộp cà phê sản xuất ra có giá 85.000 đồng, cộng thêm 20.000 đồng phí vận hành, tổng cộng là 105.000 đồng. Thế nhưng cũng sản phẩm tương tự, các sàn thương mại điện tử bán rẻ hơn và miễn phí giao hàng. Muốn cạnh tranh được, doanh nghiệp phải giảm giá, chấp nhận giảm lợi nhuận. Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp phía Trung Quốc về việc đưa hàng đến cửa khẩu nhưng khi trừ phí vận chuyển, chiết khấu các loại hầu như lợi nhuận bằng 0.
“Thực tế hàng hóa Trung Quốc vào nước ta được trợ giá, có sự hỗ trợ từ hệ thống vận chuyển… Do vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước rất khó tồn tại”, ông Nguyễn Ngọc Luận nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn cho rằng, vấn đề đặt ra là rà soát lại quy trình kinh doanh của các sàn thương mại điện tử. Nếu sàn nào bán hàng hóa chất lượng, đúng quy định thì nên khuyến khích, ngược lại bán hàng giả mạo, kém chất lượng thì cần nhanh chóng xử lý rốt ráo…
Theo Bộ Công thương, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng sẽ đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm nay.
Đến năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đặt mục tiêu đưa quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tương đương khoảng 880.000 tỷ đồng. Mặc dù tiềm năng lớn nhưng số liệu báo cáo doanh thu quý 2-2024 do YouNet ECI thực hiện cho thấy sàn thương mại điện tử trong nước bị lép vế hoàn toàn. Thị phần của hai sàn nội địa là Tiki và Sendo khá khiêm tốn so với các sàn thương mại điện tử nước ngoài.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thông tin, ngày 24-10, nền tảng thương mại điện tử Temu đã có văn bản đề nghị thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử khi gia nhập thị trường Việt Nam. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
PHÚC VĂN