Chi phí sản xuất tăng
Tại TPHCM - tâm dịch ở khu vực phía Nam, thời gian qua việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều khó khăn, dẫn tới chi phí đội lên, tác động trực tiếp đến giá cả thực phẩm và chỉ số giá tiêu dùng.
Theo Cục thống kê TPHCM, trong hàng hóa tính CPI tháng 8 vừa qua có 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,59%, chủ yếu do gạo tăng 0,5%. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%, nhóm lương thực chế biến tăng 2,07%. Theo lý giải của Cục thống kê, giá các mặt hàng này tăng cao do nhu cầu mua dự trữ tăng, nguồn cung tăng giá. Đặc biệt, giá trứng các loại tăng 7,38%, thủy sản tươi sống tăng 4,99%; nước mắm, nước chấm tăng 1,06%; rau tươi, khô và hàng chế biến tăng 5,39%...
Tương tự, tại một số tỉnh thành lân cận, mặt hàng lương thực có chỉ số giá tăng trên dưới 2%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua lương thực dự trữ của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung giảm vì việc vận chuyển gặp khó khăn, nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa.
Đơn cử, gạo tẻ thường tăng giá 2,33%, gạo tẻ ngon tăng 0,67%; giá mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác tăng 5,63%; mặt hàng lương thực chế biến tăng 1,57%. Tương tự, nhóm các mặt hàng thực phẩm có chỉ số giá tăng 1,99% so với tháng trước do nguồn cung thực phẩm bị hạn chế hơn, nhất là với mặt hàng rau củ quả phải vận chuyển từ các địa phương khác về, gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng bắp cải, su hào, cà chua có chỉ số giá tăng cao.
Đối với các mặt hàng thịt tươi sống như heo, bò, gà, giá cũng có xu hướng tăng. Nếu so với tháng 7, giá các hàng hóa thiết yếu trong tháng 8 đã tăng nhẹ. Cụ thể, giá thịt bò tăng 0,4%, mặt hàng trứng gia cầm tăng hơn 11%, thủy sản tươi sống tăng 1%. Riêng giá thịt heo ở khu vực thành thị tăng 2,21%, trong khi khu vực nông thôn lại giảm 1,32% do những tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn cung, thị trường tiêu thụ.
Giới kinh doanh cho biết, hiện nguồn cung ứng các loại thực phẩm, nông sản tại phía Nam đang dần ổn định sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng rau củ quả hiện chưa thể hạ nhiệt ngay, vẫn còn cao hơn so với tháng 7 khoảng 10-15% bởi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn cung, chi phí vận tải tăng...
Doanh nghiệp gồng mình kìm giữ giá
Việc giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khiến các bà nội trợ than trời vì quá sức người tiêu dùng. Chị Hoàng Minh Thy (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, gia đình chị có 4 thành viên, trong đó 2 lao động chính phải nghỉ việc tạm thời do dịch, còn lại đang tuổi đi học. Không có thu nhập nhưng mỗi ngày phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc ăn uống khiến chị thấy áp lực. Thêm vào đó, do kiểm soát chặt việc đi lại, không phải lúc nào cũng có thể ra đường mua thực phẩm nên đôi khi chị phải đặt hàng trên các hội, nhóm hay các chợ online gần nhà. Tuy nhiên, giá cả trên các hội, nhóm này luôn bất ổn và bị đẩy lên cao.
Cũng như chị Thy, bà Ngô Ngọc Sương (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) nói, do ở nhà suốt nên các chi phí sinh hoạt đều tăng chóng mặt như: điện tiêu thụ tăng gấp đôi; giá gas liên tục tăng trong khi phải nấu đủ 3 bữa cho cả nhà. “Nhìn chung, tôi ở nhà vừa lo dịch bệnh mà còn phải gồng gánh thêm áp lực kinh tế khi vật giá leo thàng” - bà Sương lo lắng.
Nhằm san sẻ áp lực với người tiêu dùng, nhiều DN sản xuất, phân phối đã hạn chế tối đa việc tăng giá sản phẩm. Ở lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op cho biết, nhiều tháng qua kể từ khi dịch bùng phát, hệ thống bán lẻ này đã cố gắng hết sức, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá để hỗ trợ người dân mua sắm tiết kiệm, để bà con yên tâm cùng cả nước chống dịch. Chủ trương của Saigon Co.op là đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu đúng với bản chất nhân văn hợp tác xã đã được duy trì hơn 30 năm qua.
Thực tế thời gian qua, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Nguyên nhân do thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất, chưa kể siêu thị đang bù lỗ chi phí ngành này để tìm nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt… Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.
Trong lĩnh vực sản xuất, Công ty TNHH Meizan CLV cũng không tăng giá sản phẩm dầu ăn, nui, mì… dù giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng mạnh. Theo chia sẻ từ DN, công ty nói riêng và nhiều DN sản xuất hàng hóa thiết yếu đã cố gắng kìm giá bán nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, sự chung tay vào cuộc của DN sản xuất, phân phối đã và đang giúp thị trường hàng hóa tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… ổn định trở lại. Từ đó đã góp phần tích cực hỗ trợ người dân, nhất là đối với công nhân, người lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.