Sẵn sàng ứng phó và kiểm soát dịch trong tình hình mới
SGGP
Ngày 24-10, lần đầu tiên TPHCM đã đánh giá và chính thức công bố cấp độ dịch của từng phường, xã, quận, huyện cho đến thành phố theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo cách phân loại này, thành phố xếp ở cấp độ 2 về nguy cơ dịch (nguy cơ trung bình), tương ứng với cấp độ nguy cơ này các biện pháp hành chính và các biện pháp sinh hoạt xã hội khác sẽ tiếp tục được nới lỏng theo quy định và tiếp tục hướng đến đạt trạng thái bình thường mới khi thành phố ở cấp độ 1 (mức nguy cơ thấp). Đây là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM. Các cấp chính quyền, các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.
Hiện nay, số ca mắc mới của thành phố có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (tương ứng mức 3 - nguy cơ cao); nhưng nhờ tỷ lệ tiêm vaccine của người trên 18 tuổi của thành phố đã đạt 99,12% và nhất là tỷ lệ tiêm đủ liều của người trên 65 tuổi đã đạt 89,97% nên thành phố được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2. Dù vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh của thành phố phải được xem xét và có kế hoạch ứng phó với cấp độ 3 (mức nguy cơ cao), mặt khác, một yêu cầu mới đặt ra đó là thành phố phải hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh khi mà hầu hết các đoàn chi viện đến từ các địa phương trên cả nước đã rút đi.
Các kịch bản ứng phó cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128 đã được ngành y tế TPHCM xây dựng và triển khai, tất cả đều hướng mục tiêu chủ động giám sát diễn tiến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả. Các đội đặc nhiệm kiểm soát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố được hình thành và sẵn sàng tác chiến khi phát hiện một ổ dịch mới phát sinh. Kế hoạch sẵn sàng thay thế các chiến sĩ quân y và phát huy hiệu quả các trạm y tế lưu động đã được các ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức và ngành y tế thiết lập phù hợp với yêu cầu thực tế, bao gồm cả đội hình dự bị để kịp thời huy động khi cần thiết. Hệ thống các cơ sở thu dung điều trị tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2 và tầng 3 cũng đã sẵn sàng cho các tình huống tương ứng các cấp độ dịch.
Để luôn sẵn sàng ứng phó với dịch và thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân, các bệnh viện công lập và tư nhân đang chuyển đổi những khu vực cách ly F0 trước đây trở thành các đơn vị hoặc các khoa Covid-19. Bên cạnh đó, các bệnh viện dã chiến quận, huyện cũng đang được duy trì và phát triển đảm bảo mỗi địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng thu dung và cách ly điều trị thay thế cho các bệnh viện dã chiến của thành phố đã hoàn thành sứ mệnh. Ngoài ra, trong giai đoạn mới, thành phố sẽ hình thành 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng, trên cơ sở tổ chức lại 3 bệnh viện dã chiến số 16, 13, 14 và các trung tâm hồi sức của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế bàn giao lại cho thành phố. Với mô hình 3 tầng trong một bệnh viện, người bệnh sẽ được chăm sóc tại chỗ, không phải chuyển viện khi tình trạng bệnh chuyển nặng.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng, ngành y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại các bệnh viện (kiểm soát tốt, kiểm soát, cơ bản được kiểm soát và dịch bùng phát).
4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại bệnh viện
1. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1 thì sẽ sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng - số 16, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Từ Dũ để điều trị người mắc Covid-19 với 2.000 giường (trong đó có 1.040 giường oxy và 360 giường ICU), 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai.
2. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 2 thì sẽ sử dụng 2 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng - số 13 và số 16), bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện; 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2); 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc Covid-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường chwo phụ nữ mang thai.
3. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3 thì sẽ sử dụng 3 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng - số 13, số 14, số 16); bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức Covid-19 (Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới); 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc Covid-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.
4. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố bùng phát lại, số ca mắc mới tăng cao tương ứng mức độ 4, ngoài các bệnh viện được huy động ở mức độ 3 thì mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường. Tổng giường điều trị Covid-19 là 16.556 giường (bao gồm 6.568 giường oxy và 2.029 giường ICU).