Sẵn sàng tâm thế cho hành trình phát triển và thịnh vượng

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, trực tiếp và toàn diện của Đảng, đất nước, dân tộc ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thay đổi vị thế quốc gia

Thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của đại hội tới để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt như các cuộc cách mạng để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, dân tộc ta đã vượt qua bao thử thách, khó khăn để bây giờ có một vị thế mới. Vị thế mới ấy được thế giới công nhận, cộng đồng quốc tế đặt chúng ta lên vị trí đó. Còn theo TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200USD những năm 1990, đến nay, GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300USD. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục. Tâm thế này khiến nhân dân ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập niên tới. Cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ 21, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, tức là chúng ta cố gắng vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới. Đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Nhân dân kỳ vọng Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập niên sắp tới.

Phát huy nguồn lực con người

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới hiện được xác định là Đại hội XIV của Đảng. Theo các chuyên gia, chúng ta cần tiếp tục có sự chuẩn bị để sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới.

PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cho rằng, để đạt được mục tiêu lịch sử vào năm 2045, nhân tố phải quan tâm hàng đầu là Đảng ta phải tự vươn mình lên, tự xây dựng và chỉnh đốn để thực sự trở thành Đảng của trí tuệ, Đảng của đạo đức, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, dân tộc. Xây dựng Đảng phải cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ... Đảng phải mạnh trên tất cả các lĩnh vực.

“Trong sự nghiệp xây dựng Đảng, lần này phải tiến hành đồng bộ tất cả các việc, đó là: thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về việc này. Đảng phải tự đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, không thể lãnh đạo theo cách cũ nữa, bởi vì tình hình mới, yêu cầu mới, khát vọng rất cao, mục tiêu nhiệm vụ rất lớn... để đưa dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới”, PGS-TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Vấn đề cải cách tinh gọn bộ máy cũng phải làm rất quyết liệt, rất khẩn trương. Hiện nay, trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi rất nhiều tài năng công nghệ, nên lãnh đạo lực lượng này cần chú trọng đội ngũ trí thức giỏi, yêu nước. GS-TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, đề nghị, để tiến lên phía trước, nên cải cách, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú và kiến tạo bằng những hành động cụ thể. Có thể xem việc khai trương tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TPHCM cuối năm 2024 đã tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân. Kỷ nguyên vươn mình phải tìm đến người tài, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phải suy nghĩ đột phá; cùng với đó phải dựa vào dân; dựa vào thế hệ trẻ.

“Tôi thấy rất hay việc đưa Nguyễn Xuân Son vào đội tuyển quốc gia Việt Nam. Điều đó làm cho mọi người cảm thấy có trách nhiệm với quê hương, đất nước và cũng tự vươn lên học tập người giỏi. Cũng như việc chúng ta mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tăng sức mạnh cộng hưởng hơn trong bối cảnh của từng lĩnh vực cụ thể”, GS-TS Vũ Minh Khương phân tích.

PGS-TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng nhận định, tài năng trẻ Việt Nam nếu được đào tạo bài bản với định hướng quốc tế hóa, có thể làm chủ công nghệ mới, công nghệ chiến lược, đảm đương những công việc thách thức và thành công tại những nơi cạnh tranh với chuẩn mực công nghiệp cao nhất.

“Nguồn lực con người, nguồn lực của sức trẻ, tài năng, khao khát khẳng định mình sẽ là sức mạnh cạnh tranh của chúng ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, PGS-TS Tạ Hải Tùng nêu và chia sẻ, lời giải cho bài toán trên nằm ở việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nhanh chóng tạo ra một đội ngũ nhân tài về công nghệ trong và ngoài nước, hội nhập toàn cầu với ý thức tự cường mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục