Chủ động kế hoạch từ sớm
Từ giữa năm 2023, các tỉnh ở khu vực phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… đã lên kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm và dịp tết. Theo các địa phương, việc chủ động chuẩn bị từ sớm là để đón đầu xu hướng mua sắm tăng cao dịp cuối năm, quan trọng hơn là để giúp thị trường ổn định, không biến động về giá. Tại Bình Dương, theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh này, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm của người dân sẽ tăng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên sở đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa thiết yếu từ sớm.
Theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa dự trữ cho giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán khoảng 2.258 tỷ đồng. Các mặt hàng chuẩn bị dự trữ gồm lương thực (gạo, nếp…), thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo…), thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà/ vịt, rau củ quả…) và thực phẩm chế biến.
Theo bà Khánh Duyên, để chuẩn bị triển khai kế hoạch này, Sở Công thương đã đề nghị doanh nghiệp tham gia đăng ký tổng số lượng, giá trị dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Ghi nhận tới nay đã có 17 doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đăng ký tham gia chương trình. Tương tự, tại Tiền Giang, theo kế hoạch của UBND tỉnh này, sẽ có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa với tổng trị giá vốn hơn 553 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Công thương Tiền Giang cho biết, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ, gồm: 801 tấn gạo; 677 tấn đường cát; hơn 1,3 triệu lít dầu ăn; hơn 964 tấn bột ngọt, hạt nêm; 46,5 tấn thịt gia súc và 44,5 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt… So với năm 2023, số lượng dự trữ hàng hóa tăng từ 5%-14%, tùy mặt hàng. “Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 180 chợ, 6 siêu thị tổng hợp (kể cả siêu thị Co.opmart Cái Bè dự kiến khai trương trước Tết Giáp Thìn 2024), 94 cửa hàng tiện ích và các cửa hàng bách hóa phủ khắp địa bàn thành phố, thị xã và nông thôn.
Do đó, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ được đảm bảo trên mọi kênh phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh”, đại diện Sở Công thương Tiền Giang cho biết thêm. Còn ở Đồng Nai, chương trình bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán 2024 được xây dựng trên cơ sở dân số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện tại khoảng 3,31 triệu người. Tổng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của Đồng Nai trong 1 tháng khoảng 6.274 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu trên, hiện Đồng Nai có 6 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, 289 cửa hàng tiện ích, 137 chợ truyền thống và 10.000 cửa hàng tạp hóa đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Riêng với TPHCM, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 13 triệu dân, ngay từ đầu năm, TPHCM đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và giao Sở Công thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Từ kế hoạch này, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng, tập trung tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình kết nối cung - cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, đem đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Tới nay, công tác chuẩn bị hàng hóa đã sẵn sàng, trong đó, chỉ tính riêng lượng hàng bình ổn đã được điều phối sẽ chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường. Sở Công thương đã phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn như Vissan, Saigon Co.op, Satra… số lượng hàng chuẩn bị cụ thể. Theo đó, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...
“Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ; không để xảy ra khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung - cầu trong mọi tình huống”, đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định.
Doanh nghiệp tích cực vào cuộc
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai các phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Điển hình là Saigon Co.op. Theo chia sẻ từ nhà bán lẻ này, hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op trên toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và 50% so với ngày thường.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng mọi phân khúc tiêu dùng. Ngoài ra, siêu thị còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho người tiêu dùng. “Hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước và chúng tôi cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng”, đại diện Saigon Co.op cho biết.
Tương tự, các hệ thống siêu thị khác cũng tấp nập đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, theo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp thực phẩm TPHCM dự trữ lượng hàng tết tăng 15%-20% so với ngày thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến. Đáng chú ý, 44 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đã đăng ký với Sở Công thương TPHCM sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.