Một số công ty du lịch, lữ hành, hãng hàng không thông tin, sẽ tập trung vào nhiều yếu tố để thu hút khách đến, nhất là nhóm khách chi tiêu cao. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chia sẻ, đơn vị sẽ nhấn mạnh vào các sản phẩm đặc trưng, liên tục quảng bá để khách biết đến những điểm du lịch hấp dẫn của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Người dân, du khách tìm hiểu về một trò chơi dân gian tại Khu du lịch Văn Thánh, TPHCM |
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, trong những năm qua, TPHCM đã đón những đoàn khách MICE lớn (khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), nhưng đáng tiếc là khách lưu trú chỉ khoảng 1 đêm, số lượng khách lưu trú từ 2-3 đêm rất ít.
TPHCM đón khách quốc tế "xông đất" đầu năm 2023 |
“TPHCM cần đẩy mạnh quảng bá, nâng chất sản phẩm để đón khách. Bên cạnh đó, các bộ ngành trung ương cần xem xét đến chính sách visa, nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng góp ý.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Saco Travel, kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết du lịch giữa TPHCM với các địa phương, góp phần đa dạng hóa sự lựa chọn của du khách trong nước cũng như quốc tế. Với khách Trung Quốc, ngành du lịch TPHCM cần có chiến lược cụ thể, từng bước đón được dòng khách chi tiêu cao.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (chuyên thị trường khách Trung Quốc), phân tích Trung Quốc là thị trường du lịch lớn của thế giới, trong đó có Việt Nam, với khoảng 6 triệu lượt khách đến nước ta năm 2019, mức chi tiêu bình quân gần 900 USD/người mỗi chuyến đi. So với mức chi tiêu bình quân của nhóm khách này khi đi du lịch nước ngoài (khoảng 1.850 USD/người thời điểm trước dịch Covid-19), thì mức chi tiêu của khách tại Việt Nam khá thấp, chỉ đạt gần 50%. Do vậy, nếu ngành du lịch có kế hoạch tốt hơn để đón dòng khách trung cấp trở lên, thì mức đóng góp của khách Trung Quốc sẽ rất lớn.
Du khách thích thú tìm hiểu về cách nặn tò he - một loại đồ chơi dân gian của trẻ em |
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, đang khai thác các chuyến bay thường lệ giữa TPHCM – Quảng Châu (1 chuyến khứ hồi/tuần); TPHCM - Thượng Hải (1 chuyến khứ hồi/tuần); Hà Nội – Thượng Hải (2 chuyến khứ hồi/tuần). Vietnam Airlines đã chủ động lên kế hoạch phục hồi các đường bay Trung Quốc, dự kiến sẽ đẩy thêm sản phẩm và phục hồi dần tùy thuộc vào tình hình thị trường cũng như các chính sách về visa, nhập cảnh.
Theo Vietnam Airlines, trong vòng 1-2 tháng sau khi mở cửa (từ 8-1-2023 trở đi), kỳ vọng đối tượng khách chính trên đường bay là khách thăm thân nhân đã có quốc tịch, khách lao động, khách công vụ… Dự kiến thị trường sẽ phục hồi khoảng 20% so với năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo khách du lịch sẽ quay trở lại từ tháng 3-2023, khách du lịch lẻ phục hồi trước, khách du lịch theo đoàn sẽ phục hồi sau đó…