Trong đó, thông tin nổi bật là việc 1.800 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường Qatar đang có biến động về quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Tống Hải Nam cho biết, sau khi các doanh nghiệp rà soát lại thì hiện con số lao động Việt Nam đang làm việc tại Qatar không phải là 1.800 người mà chỉ có 1.100 người được các doanh nghiệp đưa sang nước này làm việc (tức theo kênh chính thống). Song để bảo vệ sự an toàn và quyền lợi cho các lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục rà soát lại số lao động, trong trường hợp tình hình phức tạp thì tổ chức sơ tán lao động về nước như đợt giải cứu hàng ngàn lao động tại thị trường Libya năm 2011.
Ông Tống Hải Nam cũng nhấn mạnh, lao động tại Qatar không khó khăn như Libya vì Qatar có mức thu nhập cao nhất thế giới. Vì vậy, đời sống của người lao động sẽ không bị ảnh hưởng nếu nước này bị cấm vận về ngoại giao. Thêm nữa, phần lớn lao động Việt Nam đang làm việc tại Qatar cho các nhà thầu thuộc bên thứ ba nên các nhà thầu đều có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Cũng tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, sau gần 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ cho người lao động tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung đi xuất khẩu lao động nước ngoài, tính từ tháng 6-2016 đến hết tháng 5-2017, đã có tổng cộng 17.747 lao động ở 4 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đi xuất khẩu lao động.