Sẵn sàng đón đoàn kiểm tra của EC, số tàu cá vi phạm giảm trên 84%

Từ đầu năm 2023 đến ngày 13-9, số tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm tới 84,35% so với thời điểm năm 2016

Từ ngày 11-10, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu đợt kiểm tra lần thứ 4 tại Việt Nam để xem xét có thể gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam hay không. Tối 11-10, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi báo chí để thông tin những kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC đã nêu ra trong lần kiểm tra trước đó.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (người ngồi) kiểm tra công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (người ngồi) kiểm tra công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, đoàn kiểm tra của EC sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 11 đến 18-10.

"Trong đợt kiểm tra này, các địa phương (28 tỉnh, thành phố) không được thông báo trước về địa điểm đoàn thanh tra của EC sẽ kiểm tra và tất cả 28 tỉnh, thành phố có nghề cá đều phải chuẩn bị tốt, sẵn sàng đón đoàn của EC", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, các địa phương ở Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác. Đến nay, 26/28 tỉnh, thành phố ven biển đã xác định hạn ngạch khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và lộng. Tổng số hạn ngạch đã xác định là 84.125 giấy phép (đang xem xét điều chỉnh hạn ngạch vùng khơi từ 31.297 giấy phép xuống còn 29.489 giấy phép; vùng lộng là 17.899 giấy phép, vùng ven bờ là 34.929 giấy phép).

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, đến nay, tổng số tàu cá dài trên 6m đã được đăng ký, cập nhật vào cơ sở dữ liệu VNFishbase của Việt Nam là 73.282 chiếc (giảm gần 2.000 chiếc so với tháng 10-2022). Một số địa phương đã xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu này không tái hoạt động tại địa phương).

Trong tổng số 73.282 tàu cá dài trên 6m đã đăng ký, hiện có 29.489 tàu cá dài từ 15m trở lên. Theo quy định, các tàu này phải được cấp phép khai thác và phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kết quả đến nay, 94,3% đã được cấp phép khai thác thủy sản (còn hạn) và 97,65% tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu trao đổi với ngư dân về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: Báo Quảng Nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu trao đổi với ngư dân về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: Báo Quảng Nam

Về xử lý tàu vi phạm, theo Bộ NN-PTNT, các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư đã tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm.

Nhờ đó, đến nay, đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Những địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ vi phạm, như: Phú Yên, Tiền Giang; song các địa phương vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bến Tre.

Mặc dù vậy, Bộ NN-PTNT khẳng định, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi có cảnh báo “thẻ vàng”.

"Từ đầu năm 2023 đến ngày 13-9, số tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm tới 84,35% so với thời điểm năm 2016", Bộ NN-PTNT thông tin.

Tin cùng chuyên mục