Chiều 5-7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Theo Bộ Công thương, những cơ sở sử dụng điện có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên và có mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách: thông qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, với trường hợp truyền tải qua hệ thống điện quốc gia thì điều kiện để mua bán điện trực tiếp là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (điện gió hoặc điện mặt trời) phải đảm bảo có công suất từ 10MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Còn trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng thì sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, địa nhiệt… và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Tại hội nghị, đại diện của nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế như: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Liên minh Năng lượng sạch châu Á, Tập đoàn Samsung… đều bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao cơ chế DPPA này của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế này, cũng như hướng dẫn các đơn vị tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia; kiểm tra, giám sát kỹ thuật đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và liên tục.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là một văn bản đột phá, được Chính phủ ban hành kịp thời nhằm thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững, tạo sự đột phá và thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, đây là bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh. Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 này sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của nghị định cũng như các quy định liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên, các tổng công ty mua bán điện có triển khai được ngay.