Sinh viên muốn học tập trung
TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết, sau khi nhận được phản hồi từ khảo sát đối với giảng viên, sinh viên, trường đã triển khai xây dựng phương án giảng dạy, học tập và thi kết thúc học phần áp dụng cho học kỳ đầu năm 2022. Trường sẽ tổ chức học theo hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Giảng viên sẽ giảng dạy trực tiếp tại phòng học đã trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết (micro kết nối với máy tính online, bút từ viết được trên màn hình cảm ứng, camera quay hình ảnh trong lớp học…). Người học có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến, nhưng vẫn tiếp cận được đầy đủ nội dung bài giảng. “Ngoài việc tuân thủ các quy định, người học trực tiếp phải đáp ứng điều kiện: khai báo y tế theo địa chỉ hoặc ứng dụng của trường. Khi vào trường, người học phải quét mã tại các điểm kiểm soát ra vào tự động để lưu lịch sử đến trường”, TS Bùi Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, việc đi học trở lại dựa trên nhu cầu học thực hành của sinh viên, đáp ứng yêu cầu của đặc thù môn học chuyên ngành. Trường đã cho sinh viên khoa Kinh tế quản trị và 2 lớp chuyên ngành Thiết kế thời trang học trực tiếp dựa trên ý kiến đồng thuận của sinh viên. Sinh viên chưa đủ điều kiện hoặc chưa thể học trực tiếp có thể học trực tuyến. Cùng với đó, trường cũng mời các chuyên viên tuyển dụng để hướng dẫn sinh viên kỹ năng viết hồ sơ xin việc cũng như kỹ năng thực hành, thực tập.
Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM cho biết, đã chuẩn bị mọi phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch xảy ra khi sinh viên đi học trở lại. Trạm y tế từng trường cũng đã trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế và có khu vực cách ly theo quy định, đồng thời phối hợp với các khoa, phòng ban lập danh sách, lên kế hoạch hỗ trợ tiêm vaccine cho sinh viên, học viên…
Được bảo vệ khóa luận qua online
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng, sinh viên các ngành kỹ thuật, công nghệ của trường bị trễ hạn tốt nghiệp vì ảnh hưởng của dịch nên không thể hoàn tất các tín chỉ của phần học thực hành, thực tập. Để kịp tiến độ tốt nghiệp cho sinh viên cũng như tiến độ học, xét tốt nghiệp, trường đã gia hạn thêm thời gian học, thời hạn xét tốt nghiệp thêm 6 tháng.
Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM giải quyết linh hoạt cho sinh viên hệ ĐH và cả sau ĐH. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, trường gia hạn thêm thời gian học và xét tốt nghiệp bằng thời gian nghỉ giãn cách do ảnh hưởng của dịch. Trường xét tốt nghiệp 4 đợt gồm tháng 3, 6, 9 và tháng 12. Ngay cả với người học nợ học phí, chuẩn đầu ra, nhà trường vẫn tạo điều kiện để học và hoàn thành tiến độ. Đối với người học thi online vì lý do khách quan không thi được, hoặc làm bài không đạt…, nhà trường vẫn cho thi lại (theo quy chế đào tạo là phải học lại). Với sinh viên học phần thực hành tại phòng thí nghiệm, nhà trường linh động tạo điều kiện để sinh viên vào trường học thực tập chứ không phải chờ cho đủ lớp. Ngoài ra, nhà trường cũng cho sinh viên bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp bằng hình thức online.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, chia sẻ, hiện nhiều sinh viên năm cuối bị kẹt các học phần của các môn chuẩn đầu ra như thực hành, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Trường đã liên hệ với từng sinh viên và lên lịch để các em học. Việc xét tốt nghiệp hiện nay là vấn đề rất cấp bách vì liên quan đến quyền lợi của người học. Vì vậy, trường liên tục thành lập hội đồng để xét tốt nghiệp cho các em.
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn tổ chức đào tạo cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối bị tác động của dịch Covid-19. Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo căn cứ việc phòng chống dịch tại địa phương để áp dụng biện pháp tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Các cơ sở đào tạo tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để người học hoàn thành khóa học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. |