Ngày 19-8, tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TPHCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, nhiều vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên đã được đặt ra, tìm biện pháp tháo gỡ nhằm chuẩn bị cho năm học mới.
Quan tâm chất lượng nhà vệ sinh trường học
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, kết quả khảo sát ngẫu nhiên theo hình thức trực tuyến đối với 28.347 phụ huynh do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây cho thấy, đa số phụ huynh hài lòng về công tác triển khai thủ tục nhập học đầu năm.
Tuy nhiên, có 14,4% ý kiến phản ánh tình trạng nhà vệ sinh bẩn, căn tin chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, 6,6% ý kiến cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm học quá lớn. Ông Nguyễn Thành Trung đánh giá, đây là thực tế đáng quan tâm bởi chất lượng nhà vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
“Thời gian tới, ngành giáo dục cần phối hợp với UBND quận, huyện giảm tỷ lệ không hài lòng về chất lượng nhà vệ sinh của học sinh, đảm bảo môi trường học tập thuận lợi nhất cho các em”, ông Nguyễn Thành Trung bày tỏ.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trực (quận 8, TPHCM), chuẩn bị dụng cụ học tập cho năm học 2022-2023 trong không gian trường lớp mới xây. Ảnh: CAO THĂNG
Về phía ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hàng năm, các quận, huyện và TP Thủ Đức đều quan tâm sửa chữa cơ sở vật chất trường học, trong đó có tu bổ, nâng cấp nhà vệ sinh. Lý giải thực trạng nhà vệ sinh quá tải, xuống cấp, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, hiện nay chưa có quy định vị trí việc làm đối với nhân viên vệ sinh ở trường học; trường phải hợp đồng thuê nhân viên để phục vụ nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, tình trạng sĩ số học sinh đông vượt quá chuẩn quy định là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nhà vệ sinh chưa như mong đợi. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng nhà vệ sinh ở các trường học, khắc phục những hạn chế hiện có. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng cùng sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ học sinh.
Dự kiến đến tháng 9-2022, TPHCM tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án trường học với tổng mức đầu tư 1.532 tỷ đồng. Năm học 2022-2023, toàn TP tăng thêm 21.825 học sinh, tập trung nhiều ở 2 bậc THCS và THPT. Riêng ở bậc tiểu học, số lượng học sinh tăng nhiều ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn do đây là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học cao.
Tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng giáo viên
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay nhiều quận huyện như Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn do áp lực tăng dân số cơ học khiến tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đảm bảo, việc xây dựng trường lớp chưa theo kịp tốc độ gia tăng học sinh. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật gặp nhiều khó khăn do không có người ứng tuyển. Nhằm tháo gỡ các khó khăn đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2022-2023, toàn thành phố đưa vào sử dụng thêm hơn 1.000 phòng học mới. Những địa phương chưa đủ điều kiện tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đều nỗ lực sắp xếp, bố trí phương án học tập phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tới đây, ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút giáo viên, góp phần triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Gấp rút thi công công trình xây dựng Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (cơ sở 2), quận 7 để đón học sinh trong năm học 2022-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), trong tháng 8-2022, Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức để kịp thời phân công các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ trước khi bắt đầu năm học mới. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các đơn vị, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ và tình hình thực tế làm cơ sở xác định nhu cầu về tuyển dụng mới viên chức.
Dự kiến trong tháng 10-2022, sau khi các đơn vị đã ổn định sĩ số học sinh và số lớp, từ đó xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng giáo viên, TPHCM sẽ tổ chức thêm đợt 2 tuyển dụng viên chức để bổ sung nhân sự cho các trường học. Riêng đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển gồm các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, các trường học sẽ chủ động liên kết với nhau để chia sẻ nguồn giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với các giáo viên đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu giảng dạy của bậc học.
“Lạm thu đầu năm học là bài toán trăn trở nhiều năm nay của ngành giáo dục. Tôi đề nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn nữa đến việc quản lý tình trạng lạm thu dưới hình thức xã hội hóa vào mỗi đầu năm học. Xã hội hóa là một trong những chủ trương cần thiết nhằm huy động các nguồn lực phát triển giáo dục nhưng thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu là vấn đề cần kiểm soát. Song song đó, chế độ chính sách cho giáo viên cần được tiếp tục quan tâm để đảm bảo đời sống cho đội ngũ, giúp các thầy, cô yên tâm công tác”.
Nhà giáo Trần Trung Mậu Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM