TPHCM: Hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, trong hai tuần lễ đầu tiên của năm học mới, tất cả trường học trên địa bàn TPHCM không được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, thay vào đó tập trung vào việc triển khai các chủ đề dạy học trên Internet và gửi tài liệu hướng dẫn học tập tại nhà cho học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các trường lựa chọn những chủ đề, môn học học sinh gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập qua Internet để bố trí thời khóa biểu trực tuyến nhằm giúp giáo viên và học sinh tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phù hợp đặc điểm từng bộ môn. Trường học tuyệt đối không được sắp xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến giống thời khóa biểu dạy học trực tiếp vì sẽ gây quá tải cho cả người dạy lẫn người học, không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet.
Trong năm học mới, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đã thống kê số lượng học sinh đủ điều kiện và không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến. Theo đó, toàn trường còn khoảng 100 học sinh chưa có đủ thiết bị học trực tuyến.
Từ thực tế trên, cô Hiệu trưởng Trần Thúy An và tổ bộ môn tin học đã tạo một đường link kêu gọi sự chung tay đóng góp của phụ huynh học sinh và các nhà hảo tâm. Đến nay, nhà trường đã tiếp nhận số tiền ủng hộ trị giá 20 điện thoại thông minh cùng nhiều đăng ký tặng lại điện thoại đã qua sử dụng. Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ linh động tổ chức nhiều phương án để vận chuyển những thiết bị này đến tận tay học sinh.
Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm, cho hay, đơn vị đã gửi thư ngỏ tới toàn thể phụ huynh, học viên và nhà hảo tâm nhằm quyên góp máy tính đã qua sử dụng tặng cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn. Những máy tính cũ sau khi được quyên góp sẽ được một công ty máy tính tiến hành bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và được vận chuyển đến tận tay học sinh phục vụ cho việc tham gia học tập trực tuyến. Tính đến ngày 30-8, đã có 5 máy vi tính được mạnh thường quân đăng ký và xác nhận trao tặng.
Năm học 2021-2022, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) có 13 lớp 10. Đây là những học sinh lần đầu làm quen với công tác dạy học trực tuyến tại đơn vị. Hiện nay, nhà trường đã công khai đường link hướng dẫn phụ huynh tham gia các nhóm chat Zalo theo lớp nhằm giúp thông tin liên lạc giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm được thông suốt. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), ngày 4-9, giáo viên chủ nhiệm sẽ hoàn tất thông báo thời khóa biểu, tài khoản học trực tuyến, cung cấp đường link lớp học ở tất cả bộ môn cho học sinh qua nhóm chat Zalo của lớp.
Theo thông báo của đơn vị, những học sinh ở các tỉnh, thành phố khác chưa thể trở về địa phương tham gia học tập có thể đăng ký học tập tạm thời tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nếu có nhu cầu. Riêng học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chưa thể trở về TPHCM tham gia học tập có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ nếu gặp khó khăn. Hiện nay, trên giao diện trang thông tin điện tử của đơn vị, chuyên mục “Học tập trực tuyến” có chức năng tiếp nhận và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của học sinh và phụ huynh trong quá trình tham gia học trực tuyến.
Tại Hà Nội, hầu hết các trường đều đã hoàn tất việc phân lớp, giáo viên để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng đã nhận lớp, họp lớp thông qua các phần mềm trực tuyến. Hầu hết đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để triển khai nhiệm vụ của năm học, trên cơ sở đó gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sẵn sàng bước vào năm học 2021-2022. Nhiều trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên thành phố tổ chức lễ khai giảng chung tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), thời gian từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 ngày 5-9 và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học trên hệ thống dạy học trực tuyến; sau đó học sinh học online vào ngày 6-9.
Hà Nội cũng đã hướng dẫn rõ đến các trường, khi dạy trực tuyến, đối với học sinh lớp 1, lớp 2 chỉ ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn toán. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5, Hà Nội mở chuyên mục “Học trực tuyến khối tiểu học” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
“Chúng tôi cũng phát động, đẩy mạnh phong trào “máy tính cho em”, hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để các em có phương tiện học trực tuyến trong năm học mới. Đến nay, đã huy động được hơn 2.000 máy tính, điện thoại thông minh, kịp thời hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, ông Trần Thế Cương thông tin.
Đặc biệt, năm học 2021-2022, thành phố thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng. Học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN: Tổ chức dạy học với nhiều hình thức sáng tạo, lôi cuốn Đến thời điểm này, ngành giáo dục đã chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngành giáo dục bảo đảm trường học an toàn, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, lôi cuốn, đem lại hứng thú cho học sinh, sinh viên, đồng thời có nhiều hình thức hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành: “Đà Nẵng - Chào năm học mới” gửi gắm nhiều thông điệp Lễ khai giảng năm học mới chung cho học sinh TP Đà Nẵng diễn ra trực tuyến. Vào 7 giờ ngày 5-9, chương trình “Đà Nẵng - Chào năm học mới” sẽ diễn ra trên sóng DanangTV phản ánh công tác triển khai năm học mới tại các trường, những khó khăn khi nhiều trường học đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế, nhiều giáo viên, học sinh đang là F0, F1..., truyền tải thông điện của lãnh đạo TP gửi giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ huynh và học sinh. Sau đó 30 phút là chương trình khai giảng trực tuyến do các trường thực hiện. Giám đốc Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu LÂM THỊ SANG: Giảm giá gói cước Internet cho gia đình học sinh Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều phụ huynh; trong khi đó, người dân phải mua sắm trang thiết bị, máy móc, thêm chi phí lắp đặt Internet, gói cước sử dụng hàng tháng để phục vụ việc học tập cho con em mình học trực tuyến, nguồn kinh phí này cũng khá lớn. Do đó, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ Internet có cơ chế đãi ngộ bằng cách giảm chi phí lắp đặt ban đầu hoặc giảm giá gói cước sử dụng hàng tháng cho người dân sử dụng vào việc học của học sinh. Mong các đơn vị cung ứng dịch vụ Internet đồng hành cùng ngành giáo dục để ngành có điều kiện vượt qua khó khăn, đảm bảo giảng dạy tốt. |