Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra (từ ngày 22 đến 24-6). Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, nghiêm túc cơ bản đã hoàn tất. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, tất cả đã sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc.
PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, năm nay Bộ GD-ĐT nói sẽ tăng cường tự chủ cho các sở GD-ĐT trong kỳ thi. Điều đó liệu có bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi?
Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Đây là năm thứ 3 chúng ta thực hiện đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết 29 để giảm áp lực, tốn kém, kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Có thể nhìn nhận rằng, 2 năm trước là từng bước đổi mới; năm 2017 thực hiện đổi mới triệt để hơn, lần đầu tiên giao trách nhiệm chính cho các sở GD-ĐT. Tuy nhiên với yêu cầu khách quan, nghiêm túc, Bộ GD-ĐT giao các trường đại học phối hợp với các sở GD-ĐT, vì vậy sẽ không lo quá sức các sở. Cùng với đó là đổi mới hình thức thi, theo đó trừ môn Ngữ văn thì tất cả các môn đều thi trắc nghiệm. Trong phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Như vậy sẽ bảo đảm khách quan, trung thực của kỳ thi mà không lo tình trạng các sở sẽ du di cho thí sinh của mình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Năm nay cả nước có trên 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Cả nước có 2.364 điểm thi, gần 37.000 phòng thi. Để phục vụ công tác coi thi cần huy động gần 42.000 cán bộ, giảng viên các trường đại ĐH- CĐ phối hợp với Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trên tinh thần một giảng viên “kèm” một giáo viên. Tức tỷ lệ cán bộ coi thi là 50-50 của trường đại học và các sở.
Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi còn điều gì cần phải chú ý?
Đến thời điểm này mọi việc đã cơ bản hoàn tất, vì chỉ còn vài ngày nữa là các em thi. Qua kiểm tra công tác thi thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã chuẩn bị thi rất chu đáo, toàn diện cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị. Các tỉnh thành đều có chính sách hỗ trợ cho thí sinh, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Công tác ôn tập, chuẩn bị thí sính được các sở chỉ đạo các trường làm đúng kế hoạch. Các sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu các điểm thi, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên có phương án phù hợp, kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để đảm bảo thuận lợi nhất cho việc dự thi của thí sinh và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi. Các tỉnh thành cũng có giải pháp hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm thi; tuyệt đối không để thí sinh vì khó khăn về kinh tế mà không thể tham gia dự thi.
Về phía Bộ GD-ĐT, năm nay công tác chỉ đạo, chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai sớm vì thế đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng được hoàn tất sớm hơn mọi năm. Về đề thi, đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và được chuẩn hóa sau nhiều bước. Năm nay, công tác đề thi được chú trọng đặc biệt, có đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Mục tiêu tuyệt đối chính xác đặt lên hàng đầu.
° Được biết đề thi đã được Bộ GD-ĐT chuyển về các tỉnh, thành từ ngày 10-6, vậy hiện nay công tác in sao đề thi đã được các sở GD-ĐT hoàn tất chưa?
° Băn khoăn lớn nhất của Bộ GD-ĐT là về công tác in sao đề thi và giữ trật tự ở các điểm thi, phòng thi, bởi năm nay có tới 2.364 điểm thi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT phải tăng cường hơn nữa việc giám sát, tránh tình trạng chủ quan vì nguy cơ xảy ra rủi ro là rất lớn. Chúng tôi đã tuân thủ theo đúng quy định địa điểm in sao phải đảm bảo 3 vòng độc lập. Vòng 1 gồm cán bộ làm công tác in sao; vòng 2 có 1 thanh tra, 1 an ninh; vòng 3 có 2 cảnh sát và lực lượng bảo vệ của cơ quan. Nói chung, theo yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt, quá trình vận chuyển phải có sự giám sát của công an; địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ phải được bảo vệ 24/24 giờ trong ngày với sự có mặt của công an, trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ điểm thi. Chỉ được mở túi đựng đề thi và phát đề thi cho thí sinh tại phòng thi đúng thời điểm và đúng môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Ngày 10-6 đề thi bắt đầu được vận chuyển về cho các địa phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Về công tác in sao đề thi, tính đến hết ngày 18-6 đã có 9 Sở GD-ĐT báo cáo về hoàn tất việc in sao và đang được đóng gói. Đây là 9 tỉnh, thành có số thí sinh ít nên hoàn tất sớm việc in sao đề thi. Các tỉnh thành khác vẫn đang gấp rút in sao, bảo đảm đến ngày 22-6, khi kỳ thi diễn ra, mọi việc diễn ra an toàn tuyệt đối.
Năm nay, kỳ thi được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, các trường đại học phối hợp. Để bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường khâu giám sát ra sao?
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã thành lập 5 đoàn để kiểm tra công tác thi và sẽ làm quyết liệt hơn các năm trước vì là kỳ thi do các sở chủ trì. Bên cạnh đó là các đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các điểm thi để bảo đảm giám sát kỳ thi nghiêm túc. Nhưng chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, thanh tra chỉ là giải pháp cuối cùng, vấn đề là chúng ta đẩy mạnh thông tin để các em thí sinh hiểu và thực hiện đúng quy chế thi cũng như các quy định của pháp luật hiện hành. Khi thí sinh thực hiện đúng quy chế thì hạn chế tối đa tiêu cực của kỳ thi.
Dù vậy, chúng ta vẫn không thể chủ quan với việc tiêu cực, gian lận thi cử, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao?
Đúng vậy. Nên ngay từ sớm, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với lực lượng A83 để chỉ đạo các sở có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi. Chúng tôi cũng thường xuyên quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ tham gia kỳ thi. Cùng với đó tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các quy định của quy chế và các quy định của pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn kịp thời nhằm đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử, nhất là tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Chúng tôi cũng nhận được thông tin những ngày qua, lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao đã thu giữ hàng chục bộ thu phát phục vụ hành vi gian lận thi cử. Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an cũng đã khuyến cáo với máy tính bỏ túi, các giám thị phải kiểm tra xem có đúng chức năng của máy tính không. Vì nhiều khi vỏ là máy tính nhưng ruột là điện thoại iPhone. Nên có thể chụp ảnh toàn bộ đề thi ra ngoài, đồng thời nhận được lời giải từ ngoài gửi vào. Thứ hai là đồng hồ, có trường hợp dán mặt đồng hồ còn thực chất là điện thoại, tai nghe của những đồng hồ này chỉ bằng hạt gạo đặt vào trong tai. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh, công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng không thể che mắt con người. Dù sử dụng công nghệ hiện đại đến mấy thí sinh cũng không qua mắt được cán bộ coi thi nếu cán bộ coi thi tăng cường trách nhiệm. Vì vậy, vấn đề là các bộ tham gia kỳ thi phải đề cao trách nhiệm của mình.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!