- PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ tình hình của các DN trong KCX-KCN cũng như kỳ vọng của DN trong năm mới 2022?
Ông TRẦN THIÊN LONG: Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào quý II-2021 với số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan vào các KCX- KCN, đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, khi TP điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nới lỏng giãn cách xã hội, DN trong các KCX-KCN đã nhanh chóng trở lại sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2021 tổng số DN hoạt động đạt tỷ lệ 98% với tổng số lao động 244.937 người, đạt 85% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.
Sự phục hồi nhanh chóng của các DN tại các KCX-KCN, cho thấy tín hiệu khả quan về việc hoàn thành đơn hàng cũng như chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022. Dù còn khó khăn nhưng bước qua năm mới 2022 các DN cũng gửi gắm nhiều kỳ vọng trong hoạt động để “bù” vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điều mong mỏi lớn nhất là dịch bệnh được kiểm soát an toàn để đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt. DN cũng mong mỏi các nút thắt, khó khăn được tháo gỡ, hỗ trợ, trở thành động lực để DN góp phần cùng TP tăng tốc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện hơn.
- Vậy với kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ 4 DN có sự chuẩn bị như thế nào để không bị động khi có rủi ro? Và hiệp hội sẽ đồng hành cùng DN ra sao?
Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới. Song qua việc ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, các DN đã có thêm kinh nghiệm để đối phó và giải quyết hiệu quả các tình huống để ít bị động hơn khi có rủi ro dịch bệnh. Ngay từ khi trở lại hoạt động thông suốt, DN chủ động xây dựng kế hoạch quản trị, vận hành, sản xuất và kinh doanh đáp ứng với các kịch bản, tình huống có thể xảy ra. Tùy vào tình hình dịch diễn biến ở mức độ nào, để có kế hoạch ứng phó kịp thời, phù hợp. Kế hoạch kinh doanh phải gắn liền với kế hoạch tài chính và kế hoạch quản trị nhân sự theo từng thời điểm.
Tuy nhiên, DN cần đưa ra các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an toàn lao động được duy trì bền vững, như thay đổi các biện pháp và yêu cầu về an toàn lao động; tái cơ cấu nơi làm việc nhằm tăng cường giãn cách xã hội; thay đổi ca hoặc phân chia ca làm việc để giảm tiếp xúc, cho phép một số vị trí làm việc từ xa; gia tăng tự động hóa và các hình thức làm việc mới, đánh giá công cụ mới để hỗ trợ theo dõi vị trí của lao động và theo dõi liên lạc. Đặc biệt, việc chăm lo về sức khỏe và đời sống cho người lao động cần được DN chú trọng nhiều hơn.
Về phần mình, HBA sẽ triển khai nhiều kế hoạch đồng hành cùng DN. Cụ thể, tiếp tục phối hợp cùng Ban Quản lý các KCX-KCN (Hepza) tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình khu cách ly tập trung tại các KCX-KCN (đã triển khai tại Khu công nghệ cao và KCX Linh Trung 2). Theo đó, HBA vận động DN đóng góp kinh phí, trang thiết bị để hình thành cơ sở vật chất ban đầu và ngành y tế (thuộc Nhà nước) sẽ vào vận hành, điều trị và hỗ trợ các bước tiếp theo tại khu cách ly tập trung theo quy định đã ban hành. HBA cũng kiến nghị chính quyền TP quan tâm và thực hiện tiêm vaccine mũi 3 cho người lao động tại các KCX-KCN nhằm tạo sự an tâm cho DN cũng như người lao động vững tin phục hồi và vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.
HBA cũng chỉ đạo các ban chuyên môn tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, như làm việc với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho DN, đề xuất Nhà nước có những gói hỗ trợ nhanh giúp DN sớm tiếp cận được vốn, được miễn giảm các loại thuế và có nguồn lực để sản xuất năm 2022. HBA sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giúp DN mở rộng thị trường trong và ngoài nước; triển khai sâu chương trình phát triển DN số… Đặc biệt, HBA thực hiện chương trình “Phúc lợi người lao động” ứng dụng nền tảng công nghệ và hỗ trợ giải pháp tài chính cho DN và người lao động. Chương trình được triển khai đồng bộ về phúc lợi như mua sắm (phấn đấu sẽ có chuỗi siêu thị phúc lợi tại các KCN và DN có đông lao động, siêu thị online mua trước trả sau…), chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí chăm lo đời sống cho người lao động.
- Ông có thể nêu vài hình ảnh doanh nhân đã chia sẻ cùng cộng đồng trong đợt dịch vừa qua tại TPHCM?
Những lúc càng khó khăn chúng ta càng thấy rõ sự đồng lòng hỗ trợ của đội ngũ doanh nhân, DN. Họ đã chia sẻ với cộng đồng, với tuyến đầu phòng chống dịch. Là người trực tiếp kêu gọi sự chia sẻ của các DN và được đồng hành cùng họ trên hành trình ấy, đã có nhiều hình ảnh khiến tôi không thể quên. Đó là CEO Đỗ Thị Thúy (Công ty TNHH TM DV SX Thuốc Thú Y Thủy sản Ánh Việt) đi mua từng bó rau, túi gạo, từng ký thịt, hộp sữa, quả trứng về nấu cơm chăm sóc cho công nhân khi công ty thực hiện 3 tại chỗ. Chị Thúy cũng lo từng chỗ ngủ, nơi sinh hoạt cho công nhân. Một doanh nhân bộn bề với chiến lược, kế hoạch lại đảm đương thêm công việc “hậu cần” với mong mỏi người lao động an tâm cùng DN.
- Xin cảm ơn ông.