Sẵn sàng cho dự án đường Vành đai 3

Theo lịch trình của kỳ họp thứ 3, hôm nay 16-6, Quốc hội sẽ thông qua các dự án công trình hạ tầng trọng điểm, trong đó có dự án đường Vành đai 3 TPHCM (VĐ3 TPHCM). Từ nhiều phương án được các địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất triển khai đã thể hiện sự cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Đảm bảo nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ

Một trong những hộ dân có đất dự kiến bị giải tỏa để thực hiện đường VĐ3 TPHCM, ông Nguyễn Văn Răng (ngụ tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) cho hay: “Chủ trương làm đường VĐ3 TPHCM là hết sức đúng đắn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, hàng hóa thông thương; kỳ vọng giúp vùng nông nghiệp này vươn lên”.

Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, có khoảng 452 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phải bố trí tái định cư. Theo đó, huyện sẽ bố trí 316 nền đất và 136 căn hộ, thuộc khu tái định cư 30ha, xã Vĩnh Lộc B; khu dân cư cụm công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai và khu tái định cư 30ha, xã Vĩnh Lộc B. Địa phương cố gắng bố trí người dân tái định cư tại chỗ nhằm đảm bảo sinh kế.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, TPHCM có 741 hộ phải di dời. Hiện đã dự kiến bố trí đủ số lượng nền, căn hộ phục vụ tái định cư cho dự án. Tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, dự án đường VĐ3 TPHCM đi qua địa bàn xã Mỹ Yên và Tân Bửu, huyện Bến Lức dài 6,8km. Tỉnh cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 1-2024 và bàn giao 100% mặt bằng trong quý 2-2024.

Trong khi đó, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết có 515 hộ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 13.528 tỷ đồng và tỉnh đã bố trí nguồn vốn. Riêng TP Thuận An, Dĩ An là các địa bàn có tuyến đường đi qua, đã bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân, khi dự án được thông qua thì tỉnh sẽ phê duyệt phương án cụ thể.

Sẵn sàng cho dự án đường Vành đai 3 ảnh 1 Đường vành đai 3 dự kiến nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Bến Lức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết, dự án nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, sẽ thu hồi 65ha đất. Huyện đã chuẩn bị 2 khu tái định cư Phú Đông (30ha) và Phước An (44ha) để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng.

Theo ông Lương Minh Phúc toàn tuyến có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng. Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các địa phương áp dụng tại thời điểm năm 2022, có so sánh với mặt bằng giá các dự án đang triển khai trên địa bàn. Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn; đơn giá bồi thường hài hòa giữa hai địa phương có đất liền kề.

Cân đối vốn cho dự án

Theo phương án vốn của dự án đường VĐ3 TPHCM, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Vốn ngân sách Trung ương khoảng 38.741 tỷ đồng (chiếm 51,4% tổng mức đầu tư dự án), vốn ngân sách địa phương khoảng 36.637 tỷ đồng (chiếm 48,6% tổng mức đầu tư dự án). Hiện HĐND các địa phương có tuyến đường đi qua đã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai, bố trí vốn cho dự án.

Đối với TPHCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết, TPHCM đã rà soát kế hoạch trung hạn trong 5 năm để bố trí sắp xếp, ưu tiên cho dự án đường VĐ3 TPHCM; đồng thời sẽ sắp xếp đấu giá quỹ đất công hơn 511ha dọc theo tuyến đường, dự tính thu về gần 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng rà soát quy hoạch quỹ đất công ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để đấu giá bổ sung nguồn vốn cho dự án.

Ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ:

Thời gian là yếu tố quyết định



Khi triển khai đường VĐ3 TPHCM thì yếu tố thời gian là quyết định, phải thực hiện nhanh hơn nữa, bởi chậm một ngày là thiệt hại rất lớn. Cả 4 địa phương có đường VĐ3 TPHCM đi qua đã thống nhất chặt chẽ, có lẽ vì dự án đã quá cấp thiết.

Theo tôi, các địa phương cần tổ chức hội đồng vùng, giao TPHCM điều phối chung trong việc phát triển hạ tầng vùng bằng trái phiếu. Nếu được như vậy thì từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thành mạng lưới giao thông vùng, thúc đẩy khu vực phía Nam phát triển rất nhanh, không chỉ đóng góp 43% ngân sách Nhà nước như hiện nay mà còn nhiều hơn nữa.

Đường VĐ3 TPHCM không tự sinh ra các đô thị nhỏ mới, nhưng việc đầu tư cho tuyến giao thông quan trọng này sẽ nâng giá trị đất các dự án bất động sản lân cận. Khi Nhà nước định giá đất để thu tiền đất đối với các dự án liên quan, có nối kết thì cũng tăng được nguồn thu khá quan trọng. Nguyên tắc chung, khi Nhà nước đầu tư đường thì sẽ tạo ra quỹ đất, và quỹ đất này tạo ra nguồn thu rất quan trọng.

Tất nhiên, chúng ta nên tránh bức tranh xây dựng nhà cửa loạn xạ dọc tuyến giao thông mà nên phát triển đường song hành dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai và có nối kết với nhau.

Tin cùng chuyên mục