Bùng nổ phòng vé
Tâm điểm phòng vé hiện đang đổ dồn về bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải - Minh Hà. Theo tiết lộ từ đoàn phim, Lật mặt 7 đạt kỷ lục 22.000 vé bán trước chỉ sau 3 ngày mở bán vé - con số cao nhất trong series phim Lật mặt. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên: Thanh Hiền, Trương Minh Cường, Đinh Y Nhung, Quách Ngọc Tuyên, Trâm Anh, Trần Kim Hải... Đặc biệt, lần đầu tiên trong series Lật mặt, phim được gắn nhãn K (Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ). Lật mặt 7 có các suất chiếu sớm từ 19 giờ ngày 24-4 trước khi khởi chiếu chính thức từ ngày 26-4.
Đối trọng của Lật mặt 7 là bộ phim Hàn Quốc Vây hãm: Kẻ trừng phạt. Phim có sự tham gia của “ông chú cơ bắp” rất được yêu thích tại Việt Nam - Ma Dong Seok. Đây là bộ phim có lượng vé đặt trước cao nhất Hàn Quốc năm 2024 (tính đến hiện tại) với hơn 600.000 vé. Các suất chiếu sớm bắt đầu từ 18 giờ ngày 24, trước khi khởi chiếu chính thức từ ngày 26-4.
Ngoài 2 tác phẩm đình đám trên, khán giả có thể lựa chọn các bộ phim ra mắt dịp này như: Tà khúc triệu vong (phim kinh dị); AESPA World Tour: Trạm dừng cuối cùng (dành cho các khán giả yêu thích nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng AESPA); Mèo mập mang 10 mạng, hay Gấu béo tung chưởng (lựa chọn lý tưởng cho gia đình với thể loại hoạt hình vui nhộn).
Ngoài ra, dù không chính thức ra mắt dịp này, nhưng tại các hệ thống rạp vẫn đang chiếu các phim Việt khác như: Cái giá của hạnh phúc, B4S - Trước giờ “yêu”, Mùa hè của Luca, Tu viện máu, Anh hùng bàn phím và Yêu cuồng loạn…
Rộn ràng sân khấu, khu vui chơi
Dịp này, Nhà hát Idecaf sáng đèn cả 3 điểm diễn: sân khấu Idecaf với các vở đề tài xã hội Má ơi Út dìa!, Vàng ơi là vàng; Nhà hát Thanh Niên - NVH Thanh niên TPHCM với vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt; sân khấu Nhà hát Bến Thành công diễn chương trình chủ lực Ngày xửa ngày xưa 35: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần.
Sân khấu kịch Hồng Vân tại Nhà văn hóa Sinh Viên TPHCM có Bông cánh cò, Hậu cung ngoại truyện, Quả tim máu... Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh với các vở Lạc ở đáy sông và Lồng sắt. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần phục vụ khán giả người lớn 2 vở Bến lửa lòng, Tình lá diêu bông, cùng 2 vở cho thiếu nhi là Đại náo long cung, Thế giới đồ chơi - Câu chuyện cậu bé Rồng.
Các khu vui chơi cũng có nhiều chuẩn bị để đón du khách nghỉ lễ. Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên dịp này đầu tư nhiều vào các hoạt động mang tính “giải nhiệt” như khai mở phiên bản mới của biển Tiên Đồng Ngọc Nữ và Suối Tiên Farm. Tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, điểm nhấn năm nay tiếp tục là chương trình bắn pháo hoa kết hợp biểu diễn nghệ thuật diễn ra từ 18 giờ 30 đến 21 giờ ngày 30-4. Đầm Sen đầu tư mới trang trí khu vực cầu Tiên Đồng - Tiên Dung, tạo nên một địa điểm check- in nằm giữa lòng mặt hồ xanh mát.
Thảo cầm viên năm nay tăng cường các hoạt động mang tính tương tác với khách tham quan, nhất là thiếu nhi, như hoạt động giới thiệu các tập tính của loài hạc, vượn, cọp, cá sấu, hổ… Đặc biệt, trong sáng các ngày 30-4 và 1-5, các em có thể tham dự lễ thôi nôi bé hươu cao cổ “Thảo em” và dự lễ hội ẩm thực 3 miền với 149 món bánh truyền thống…
Các bảo tàng tại TPHCM sẽ mở cửa đón khách xuyên suốt dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, hệ thống các bảo tàng công lập, như: Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Lịch sử TPHCM… sẽ giảm giá vé cho khách tham quan là công dân TPHCM (dựa trên CCCD), miễn phí vé cho các em học sinh tiểu học, THCS và THPT tại các trường học trên địa bàn thành phố (thẻ học sinh). Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM giới thiệu triển lãm Đồ họa năm 2024, trưng bày các tác phẩm, chất liệu ứng dụng kỹ thuật đồ họa hiện đại, độc đáo của các tác giả trẻ. Sân khấu múa rối nước Rồng Phương Nam (trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM) công diễn vở mới Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bảo tàng Áo dài giới thiệu xuyên suốt dịp lễ 2 triển lãm Non sông gấm vóc và Sắc thắm.