Sản phẩm xanh: “Vé thông hành” vào kênh phân phối hiện đại

Sản phẩm có yếu tố xanh, thân thiện với môi trường hiện đang là “tấm vé thông hành” giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại.

Sản phẩm xanh là “vé thông hành” cho doanh nghiệp đưa hàng lên kệ siêu thị
Sản phẩm xanh là “vé thông hành” cho doanh nghiệp đưa hàng lên kệ siêu thị

Nguyên liệu thân thiện môi trường

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại là những kênh phân phối rất phổ biến, thu hút một lượng lớn người tiêu dùng đến mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được các hệ thống này, bên cạnh đạt tiêu chuẩn theo quy định, doanh nghiệp phải có các sản phẩm xanh, hướng tới tiêu dùng bền vững mới có vé “ưu tiên” trên quầy kệ siêu thị.

Đơn cử như Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn đang có các dòng sản phẩm dầu gội từ thiên nhiên như dầu gội bồ kết, dầu gội tinh dầu bưởi, trong đó nổi bật nhất là dòng sản phẩm dầu gội Fresh… đang được bán rộng rãi ở nhiều kênh siêu thị, trong đó có hệ thống Co.opmart, Co.opXtra. Để làm được như vậy, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc marketing và phát triển thị trường Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho biết, SCC đã nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm dầu gội tập trung vào yếu tố thiên nhiên như bồ kết, tinh dầu bưởi, hà thủ ô… Đặc biệt, từ thành phần nguyên liệu đến quy trình sản xuất, các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân thế hệ mới đều hướng tới tính chất điều trị để đáp ứng xu hướng tiêu dùng của người Việt.

Hay như Công ty TNHH New Toyo Pulppy đang có các sản phẩm giấy lụa cuộn, giấy lụa hộp, khăn giấy lụa, khăn giấy bỏ túi, khăn giấy đa năng (kitchen towels)… thương hiệu Pulppy/An An được cung cấp cho các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ trên cả nước. Có thành quả này, doanh nghiệp đã xanh hóa sản xuất bằng việc đầu tư cho hệ thống năng lượng mặt trời ở nhà máy và khối văn phòng, đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải và định kỳ kiểm tra để đảm bảo hệ thống này luôn an toàn với môi trường. Một yếu tố quan trọng khác, giấy là sản phẩm có đặc thù sử dụng nguyên liệu từ gỗ nên yêu cầu đặt ra là các loại giấy mang thương hiệu Pulppy/An An đều đạt chứng chỉ FSC (chứng chỉ được dùng cho các nhà sản xuất đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững).

Trong khi đó, với Nestlé Việt Nam, năm 2020, doanh nghiệp này là đơn vị tiên phong khi sử dụng ống hút giấy bảo vệ môi trường trên các sản phẩm Milo bữa sáng và đến năm 2021, doanh nghiệp chuyển đổi ống hút giấy cho toàn bộ sản phẩm uống liền. Chia sẻ tại một hội thảo được tổ chức mới đây, bà Lê Thị Hoài Thương, quản lý đối ngoại cấp cao của Nestlé Việt Nam, khẳng định, việc phát triển bền vững sẽ đem lại giá trị đích thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là lý do giúp các sản phẩm dễ dàng được các kênh phân phối cả trong và ngoài nước chấp nhận.

Xanh hóa quy trình sản xuất

Những doanh nghiệp kể trên là minh chứng cho thấy, nếu quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng và có yếu tố xanh thì hàng hóa sẽ rất dễ tiếp cận các kênh phân phối lớn không chỉ ở nội địa, mà còn có cơ hội vươn ra thế giới.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực, bám chắc xu hướng chuyển đổi xanh, nhờ đó được nhiều người tiêu dùng đón nhận. “Ghi nhận của chúng tôi sau 15 năm phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức Chiến dịch tiêu dùng xanh cho thấy, tới nay đã có khoảng 30% doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh. Các doanh nghiệp này lên kế hoạch chuyển đổi từ sản phẩm sử dụng bao bì mang tính chất độc hại cho môi trường, khó phân hủy sang sản phẩm có bao bì sử dụng hàm lượng tự nhiên cao hơn”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, nếu như trước đây, theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì hiện tại, doanh nghiệp bắt buộc phải tính toán để có sản phẩm xanh hóa nhằm tăng sức cạnh tranh, duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Bởi thực tế sản phẩm xanh sẽ là tấm “hộ chiếu” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.

Đồng hành cùng sự chuyển đổi của doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết, đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững; đưa thương mại điện tử phát triển theo hướng minh bạch, bền vững. Đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Ở quy mô địa phương, TPHCM xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Ngoài ra, TPHCM đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để hướng tới mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Trong khung chiến lược phát triển xanh, thành phố xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh. Do đó, ngoài các nguồn lực từ doanh nghiệp, TPHCM rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững...

Tin cùng chuyên mục