Xanh hóa sản phẩm
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh, cho biết, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nước uống không cồn với các sản phẩm chủ lực đã có mặt rộng khắp thị trường Việt Nam và nước ngoài như nước ép trái cây các loại, nước yến, nước ngọt có gas… Tuy nhiên, để sản phẩm của công ty có thể phủ khắp thị trường trong và ngoài nước, yếu tố xanh rất quan trọng. Xanh có thể được hiểu là an toàn từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến dây chuyền sản xuất và tới tay người tiêu dùng. Theo đó, từ nguyên liệu nông sản, rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP…, đến quá trình vận hành, sản xuất phải giảm chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, thậm chí sử dụng năng lượng thân thiện môi trường thay cho sử dụng năng lượng hóa thạch. Và cuối cùng là sản phẩm đến tay người tiêu dùng không những phải đảm bảo yếu tố an toàn mà còn giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác đã và đang thực hiện chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất, tăng giá trị xanh cho sản phẩm để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới. Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho biết, tính riêng trên địa bàn Bình Thuận có 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm - trong đó có 94 sản phẩm 3 sao; 32 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận rất đa dạng và phong phú như nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, từ yến và sản phẩm từ nông sản khác. Tuy nhiên, để tạo ra dòng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, doanh nghiệp, hộ nông dân, HTX của tỉnh đã xanh hóa quy trình sản xuất như tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch... đến xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao.
Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới
Cũng theo ông Biện Tấn Tài, đơn cử với sản phẩm thanh long, toàn tỉnh hiện có 35 HTX, 1 Liên hiệp HTX sản xuất thanh long, 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long, 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tươi và 16 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long (thanh long sấy khô, sấy dẻo; nước ép thanh long, rượu thanh long, kẹo thanh long…). Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường, những năm qua, các doanh nghiệp, nông dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn. Hiện tỉnh có 632 mã số vùng trồng thanh long, 312 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số. Và kết quả là trái thanh long không những cung ứng thị trường trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Trung Quốc, Malaysia, Qatar, Philippines, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Hà Lan, Đức, New Zealand, Nga, Canada, Hoa Kỳ và Australia…
Cùng quan điểm, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh trong cộng đồng ngày càng rõ nét. Đáng nói, người tiêu dùng không đơn thuần đòi hỏi sản phẩm cung ứng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường trước, trong và sau quá trình sử dụng. Bắt nhịp xu hướng này, Saigon Co.op đã chủ động làm việc với nhà cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng nâng cao tiêu chuẩn xanh trong hoạt động sản xuất và tạo ra nhiều sản phẩm xanh phục vụ cộng đồng. Saigon Co.op thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm xanh để tăng kích cầu tiêu dùng với nhóm hàng này, góp phần trợ lực cho doanh nghiệp sản xuất xanh cũng như hướng đến hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc tiếp thị Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, cho biết thêm, công ty đã và đang tăng cường nghiên cứu, sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà bán lẻ lớn như Co.opmart, Pharmacity, Medicare,… Hiện sản phẩm xanh của công ty không những được người tiêu dùng trong nước chấp nhận mà còn được bạn bè quốc tế yêu thích với hàng triệu sản phẩm xuất khẩu hàng năm đến các thị trường Singapore, Philippines, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc...
Có thể thấy, từ xu hướng tiêu dùng xanh cùng với sự chủ động vào cuộc của nhà sản xuất, nhà bán lẻ đã và đang từng bước tạo nên những thay đổi căn bản cả về nhận thức lẫn hành động. Đó là bước đệm, tạo động lực cho các nhà sản xuất, bán lẻ trong nỗ lực xanh hóa vì sự phát triển bền vững. Để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay từ doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Với doanh nghiệp, việc đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững thông qua sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, giảm phát thải… làm cơ sở sản xuất các sản phẩm xanh, tuần hoàn.