Phát triển kinh tế xanh - xu hướng tất yếu

Sản phẩm xanh hút khách

Phát triển kinh tế xanh là một quá trình đầy thách thức, nhưng là con đường doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần đi. Đối với TPHCM, điều đó sẽ góp phần giúp đô thị đầu tàu này tiếp tục duy trì vai trò và động lực tăng trưởng của cả nước.
Công đoạn sản xuất tự động ở nhà máy Vinamilk
Công đoạn sản xuất tự động ở nhà máy Vinamilk

Doanh nghiệp xanh không thiếu đơn hàng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ, trong 5 tháng đầu năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp tục là lo lắng lớn nhất của các DN, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến chế tạo, xây dựng, vật liệu, điện - điện tử…

Ngoài chuyện sức mua toàn cầu giảm mạnh, nguyên nhân chủ quan là nhiều DN chưa đạt chuẩn về sản xuất xanh - nên họ luôn thiếu đơn hàng đến mức phải giảm quy mô hơn 50%. Trong khi đó, DN sản xuất xanh, thân thiện môi trường luôn thừa đơn hàng đến mức không kịp gia tăng nguồn cung sản phẩm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho biết, trong năm 2022, nhờ xanh hóa quy trình sản xuất nên doanh thu xuất khẩu của DN tăng hơn 60% so với kế hoạch. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài duy trì thị phần tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, DN tăng thêm đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc nhờ năng lực chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, thông tin, từ khi DN bắt tay với người nông dân An Giang và Kiên Giang, xanh hóa 210.000ha diện tích trồng lúa, đáp ứng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn cho môi trường, sản phẩm “Cơm - Rice Viet Nam” đã tăng thị phần trên toàn cầu trong năm 2022, với lợi nhuận thuần hơn 412 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu công ty tăng gấp 3 lần so với năm 2022.

Đáng quan tâm, việc chuyển đổi xanh đã được các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện ngay khi đến Việt Nam. Tại diễn đàn Việt Nam Connect 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, bà Hồ Thị Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Products Việt Nam, chia sẻ, ngay khi mở nhà máy tại Khu Công nghệ cao TPHCM năm 2006, Intel đã lắp đặt toàn bộ hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà văn phòng. Công ty đang thực hiện chiến lược của tập đoàn nhằm đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 đến năm 2040. Theo đó, chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng năng lượng sạch; giảm thiểu kết hợp tái chế toàn bộ rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất, thu hồi và tái chế sản phẩm sau quá trình sử dụng.

Hiện tại, toàn bộ 6/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đều sử dụng nhiệt năng sinh khối để nấu bia và không còn rác thải chôn lấp với 100% phụ, phế phẩm đều được tái chế hoặc tái sử dụng cho mục đích nông nghiệp.

“Cùng chung định hướng với Chính phủ Việt Nam, chiến lược bền vững của Heineken Việt Nam hướng đến sự phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, trước những hạn chế còn tồn tại về việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo hay áp dụng kinh tế tuần hoàn, việc tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trên hành trình phát triển bền vững của công ty”, bà Holly Boskstock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, chia sẻ.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng xanh

DN sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nắm bắt tín hiệu và chuyển động theo nhu cầu của thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn tại Việt Nam, dù chuyển đổi xanh đã giúp mang lại doanh thu khoảng 120 triệu USD trong năm 2022 nhưng việc phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất thật sự là thách thức cho công ty. Chưa kể, mỗi năm công ty phải đóng phí gần 600USD/nhà máy (hiện có 30 nhà máy) để sử dụng bộ chỉ số Higg Index do Hiệp hội May mặc bền vững (SAC) xây dựng nhằm duy trì năng lực sản xuất xanh.

Thực tế không phải DN nào cũng có tiềm lực tài chính như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, khi đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng 3 trang trại đạt chuẩn sinh thái, chuyển đổi phương thức vận hành như sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời; xây dựng hệ thống biogas biến chất thải của gia súc thành phân bón và khí đốt đun nóng nước; áp dụng giải pháp vòng tuần hoàn đất, bảo vệ mạch nước ngầm, canh tác đảm bảo dưỡng chất trong đất tạo ra đồng cỏ chuẩn hữu cơ...

Do vậy, ngoài nỗ lực tự thân, các DN rất cần sự hỗ trợ từ phía bộ ngành liên quan, trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh; đa dạng nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm xanh. Chính phủ và lãnh đạo các địa phương cần sớm đưa vào hoạt động hạ tầng xanh, gồm cung ứng năng lượng, hạ tầng logistics, thu gom và xử lý chất thải, giúp DN chuyển đổi xanh một cách đồng bộ...

Tin cùng chuyên mục