Sức mua tăng
Trong một khảo sát được Công ty Nielsen Việt Nam công bố gần đây đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”.
Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống, sức tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường được dự báo sẽ tăng mạnh.
Cùng theo khảo sát này, có 4 trong số 5 người Việt được hỏi sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Bắt kịp xu thế trên đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) nỗ lực cung cấp sản phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường, từ rau củ quả cho đến trứng, sữa, gạo, các loại nước trái cây, mỹ phẩm…
Đặc biệt gần đây, việc sử dụng các sản phẩm có thể dùng lại nhiều lần như ống hút sắt, bình thủy tinh, bình nước tre, hay các sản phẩm có thể tự phân hủy đang trở thành xu hướng trong cộng đồng.
Chị Lê Ngọc (một giảng viên đào tạo doanh nghiệp tại quận 3) chia sẻ, nếu như trước đây khi mua bất kỳ loại nước uống nào chị cũng dùng ly nhựa và ống hút nhựa sử dụng một lần, thì gần đây chị đã mua bình nước sử dụng nhiều lần và ống hút giấy để giảm tác hại ra môi trường sống. Không riêng gì chị Ngọc, rất nhiều nhân viên văn phòng tại TPHCM đang hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa bằng việc mua các sản phẩm thân thiện với môi trường sống như bình nước tre, túi sử dụng nhiều lần hoặc túi tự phân hủy…
Chính vì ý thức được điều này, người tiêu dùng đã làm tăng sức mua với những mặt hàng kể trên tại các kênh bán lẻ như Saigon Co.op, Emart, Lotte Mart… Đại diện Saigon Co.op cho biết, các sản phẩm thực phẩm xanh, thân thiện môi trường đang được người tiêu dùng chọn mua nhiều.
Đáng chú ý, dù mới ra mắt thị trường trong thời gian ngắn, nhưng một số mặt hàng nhãn riêng nhóm đồ dùng, bao bì như túi rác bằng nhựa sinh học tự hủy, túi đựng thực phẩm tự hủy, bao tay sử dụng 1 lần tự hủy, ly giấy, dĩa giấy, ống hút giấy… được khách hàng tích cực hưởng ứng. Một số sản phẩm đang “cháy hàng”, sản xuất không kịp phân phối.
Theo tiết lộ của nhà bán lẻ này, sắp tới, Saigon Co.op sẽ đưa vào kinh doanh hàng nhãn riêng là thùng đựng rác (màu xanh và màu xám) theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng để giúp khách hàng phân loại rác tại nguồn.
Kích hoạt sản xuất xanh trong DN
Có thể thấy, việc bảo vệ môi trường sống hiện đã không còn là phong trào mang tính tự phát mà được cả xã hội vào cuộc. Xu thế này cũng đang dần trở thành thước đo để đánh giá trách nhiệm xã hội của DN sản xuất kinh doanh đối với cộng đồng, môi trường và thế hệ tương lai.
Theo đó, tại Việt Nam hiện đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường. Tính đến nay đã có hàng chục DN sản xuất nhựa được cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường, như An Phát, Nam Thái Sơn…
Hay trong lĩnh vực dệt may, Tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đang triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Dự án kỳ vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường.
Thậm chí, ở lĩnh vực bất động sản cũng đã có không ít DN đưa ra phương châm phải xây dựng không gian sống xanh, từ những vật liệu cho tới thiết kế đều hướng về môi trường sống.
Theo nhận định của các chuyên gia, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thông thường mục tiêu lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, ý thức và trách nhiệm xã hội lại giúp DN định vị được thương hiệu một cách vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Từ sự đóng góp trở lại cho xã hội thông qua những hành động thiết thực bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội, DN đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm của mình.
Để tuyên chiến với rác thải nhựa và các sản phẩm không thân thiện môi trường, gần đây các sở ngành của TPHCM như Sở TN-MT, Sở Công thương và các tổ chức đoàn thể đã cùng ký kết phối hợp về đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố. Sắp tới, Sở TN-MT còn có những kế hoạch giảm chất thải nhựa tại các cơ quan, đơn vị, siêu thị, các chợ…