Đa dạng hóa sản phẩm
Ngày cuối tuần, dẫn con vào một nhà sách ở trung tâm quận 1, chị Như Phương (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) để con thoải mái lựa chọn quyển sách yêu thích, như một phần thưởng sau một tuần chăm chỉ học tập. Nhưng sau một hồi ngó nghiêng, bé Thanh Trúc (6 tuổi), con gái chị Phương lại mang ra quầy tính tiền một… con thú nhồi bông Doraemon.
Dù không nằm trong kế hoạch, nhưng thấy con vui sướng ôm chú Doraemon vào lòng, chị Như Phương đành “nhắm mắt cho qua”. “Thực ra, con gái tôi mê Doraemon giống như mẹ nó hồi xưa vậy! Hồi nhỏ, tôi cũng say sưa đọc Doraemon, thậm chí là ăn ngủ cùng chú mèo máy này luôn. Tặng thú bông Doraemon để con làm bạn, tôi nghĩ cũng là điều nên làm”, chị Như Phương cười chia sẻ.
Có lẽ với trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ, hình ảnh chú mèo máy Doraemon đã không còn xa lạ. Không chỉ quen thuộc qua những trang sách, những thước phim mà còn qua rất nhiều sản phẩm “ăn theo” khác như gấu bông, games, đồ chơi, trang phục, dụng cụ học tập, sổ tay, lịch để bàn, sticker, tranh tô màu, tượng... Đây đều là những sản phẩm mang lại doanh thu không nhỏ. Chỉ riêng mảng phim hoạt hình, tính đến giữa tháng 4 năm nay, Doraemon là thương hiệu hoạt hình có tổng doanh thu toàn cầu cao thứ 10, đạt gần 1,85 tỷ USD.
Sau một số sản phẩm làm quà tặng kèm theo sách, mới đây, Công ty sách Đông A vừa thực hiện bộ sổ tay Cá Chép - The Planner 2024 để phát hành thương mại. Với layout thân thiện và khoa học, những cuốn sổ tay này không chỉ giúp bạn đọc dễ dàng lên kế hoạch, ghi chú công việc mà còn có nhiều không gian để rèn luyện thói quen, nhìn lại các sự kiện đã xảy ra và chuẩn bị cho các trải nghiệm mới. Đặc biệt, bìa sổ tay được thiết kế ấn tượng, lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học kinh điển thế giới đã quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc: Nhà thờ Đức Bà Paris, Không gia đình, Con Bim trắng tai đen, Hoàng tử bé, Những tấm lòng cao cả…
Ngoài những cuốn sổ tay, Nhã Nam còn thực hiện bộ lịch bàn có tên Từ trong trang sách, hiện đang được bạn đọc săn đón nhiệt tình. Theo đó, 12 tháng được lấy cảm hứng từ 12 cuốn sách nổi bật của Nhã Nam như: Anh chàng Hobbit, Cây cam ngọt của tôi, Kafka bên bờ biển, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Miếng ngon Hà Nội, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh, Đồi thỏ, Khu vườn bí mật, Cuộc đời của Pi, Mùa thu của cây dương, Alice lạc vào xứ sở diệu kỳ và đi qua tấm gương, Đẹp và buồn. Mỗi tháng sẽ kèm thêm một trích dẫn được tuyển chọn cẩn thận, đầy dụng tâm và dụng ý từ các tác phẩm nổi tiếng trên.
Cần có một tác phẩm tốt
Theo anh Đặng Cao Cường, Trưởng phòng Comic của NXB Kim Đồng - đơn vị sở hữu bản quyền của nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, One Piece, 7 viên ngọc rồng, Naruto…, trên thế giới, việc làm sản phẩm phái sinh là điều đương nhiên, nhưng ở Việt Nam mới phát triển tầm 5-7 năm nay. “Bây giờ thị trường rất sôi động, nhất là mạng xã hội giúp cho việc kết nối trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, các bạn trẻ giờ đây trưởng thành sớm, họ đi làm có thu nhập, từ đó tạo nên sức mua rất lớn. Chưa kể, nhiều bạn còn có thú vui sưu tầm, sẵn sàng mua những sản phẩm “ăn theo” một khi đã yêu thích một cuốn sách nào đó”, anh Cường chia sẻ.
Cũng theo anh Đặng Cao Cường, thị trường cho những sản phẩm phái sinh từ sách hiện vô cùng tiềm năng. Tuy nhiên, điều cốt yếu để có thể phát triển thị trường này là các đơn vị cần phải có một tác phẩm, một thương hiệu tốt. Đặc biệt, để thuận tiện hơn trong việc khai thác, những ấn phẩm này cần có nhiều hình ảnh đẹp. “Có một điều khó hiện nay là các đơn vị xuất bản đang tập trung vào các loại xuất bản phẩm, việc sản xuất các sản phẩm phái sinh không chuyên và cũng chưa phải là kênh chính. Vì không chuyên nên sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề”, anh Cao Cường nói thêm.
Chia sẻ về lý do thực hiện bộ sổ tay Cá Chép - The Planner 2024 lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học kinh điển, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang, Giám đốc vận hành Đông A Books và Nhà sách Cá Chép, cho rằng, những người yêu sách, yêu văn học đều có một tác phẩm, một câu chuyện, một nhân vật yêu thích nào đó. Họ có thể lựa chọn những cuốn sổ theo sự yêu thích của mình, những tác phẩm và cuốn sổ đó có mối liên kết với nhau.
Theo bà Hằng Giang: “Trong kinh doanh, có một khái niệm gọi là kích cầu. Sản phẩm phái sinh được làm ra để bán trên thị trường với phân khúc giá hài hòa, hợp lý cho những người sưu tập. Cùng với đó là sản phẩm tặng kèm theo sách, nhằm tăng thêm giá trị để mọi người biết đến cuốn sách nhiều hơn. Đây là ưu đãi cho bạn đọc khi mua sách”.
“Theo quan sát của tôi, ở trong nước có rất nhiều đơn vị đã làm sản phẩm phái sinh như Comicola, hay các nhân vật như Thỏ bảy màu… Họ có làm, thậm chí có một số nơi thì kêu gọi vốn từ cộng đồng để làm, nhưng cũng chỉ đang gói gọn trong tiềm năng. Bởi các đơn vị này khi mang sản phẩm đến một sự kiện, một lễ hội thì có thể bán được rất nhiều, nhưng nếu đi đường dài lại không đủ mạnh để cạnh tranh với các nhân vật từ nước ngoài hay các thương hiệu khác”, anh Đặng Cao Cường chia sẻ.