Sản phẩm OCOP - tiềm năng lớn phát triển kinh tế nông thôn

Ngày 11-12, tại Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng ĐBSCL liên kết cùng Cà Mau phát triển.

phung-duc-tien-3-2569.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể OCOP. Trong đó, gần 38% là hợp tác xã; 24% doanh nghiệp; còn lại là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị đặc sản, văn hóa và truyền thống của địa phương. Riêng khu vực ĐBSCL có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 922 chủ thể OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một "đại sứ" của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương.

Các sản phẩm OCOP góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp. Đặc biệt, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Đồng thời, đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn; góp phần không nhỏ quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương.

Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, các sản phẩm OCOP lại có những tồn tại, hạn chế riêng như quy mô nhỏ, sản phẩm chưa hoàn thiện, năng lực của chủ thể còn hạn chế về nguồn lực, tổ chức sản xuất và thương mại. Vì vậy, các chủ thể OCOP cần nghiên cứu kỹ mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối. Đồng thời, cần có sự chủ động, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, cũng như để phù hợp với yêu cầu thị trường.

Tin cùng chuyên mục