Phong phú sản phẩm OCOP
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gần đây nở rộ khi thị trường xuất hiện ngày càng phong phú sản phẩm gắn nhãn OCOP. Theo Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 6-2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và hơn 7.400 chủ thể OCOP.
Việc xây dựng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, phát triển sản xuất bền vững, mà còn hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn. Khi đạt chuẩn OCOP, sản phẩm đó phải đạt các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản… cho đến ra thị trường.
Các thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, có 46% chủ thể OCOP đạt tăng trưởng về sản phẩm và doanh thu thời gian qua bất chấp đại dịch Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tăng doanh thu của các chủ thể đạt 29,7%.
Bên cạnh mặt tích cực cũng còn nhiều khó khăn khi không phải sản phẩm nào cũng tìm được đầu ra hiệu quả. Nguyên nhân do các chủ thể OCOP đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp… nên việc tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu còn yếu. Điển hình như tại TPHCM, theo thống kê của Sở NN-PTNT, TPHCM hiện có tổng cộng 191 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, khi được hỏi “đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm có dễ bán hơn không?”, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã… lắc đầu.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu do hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn chưa biết cụ thể sản phẩm OCOP là gì, có gì đặc biệt mà giá lại cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.
“Khoảng 80% người tiêu dùng không biết, không nắm rõ thông tin về sản phẩm OCOP. Doanh nghiệp có sản phẩm cà phê trái cây Meet More đạt chứng nhận OCOP 4 sao, nhưng vẫn ít người tiêu dùng hiểu được giá trị của chứng nhận này”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu, chia sẻ.
Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm
Hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, liên tục trong thời gian qua, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã thực hiện kết nối với nhiều địa phương trên cả nước để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm này.
Mới đây nhất, tại lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP cho 43 sản phẩm của 6 chủ thể trên địa bàn TPHCM, Saigon Co.op đã ký cam kết tiêu thụ hàng hóa với 6 chủ thể này, gồm: Công ty TNHH Đạt Butter (huyện Củ Chi), Công ty TNHH XNK Thực phẩm ABZ (huyện Bình Chánh), Công ty CP Đầu tư XNK Phúc Lộc Thọ (huyện Bình Chánh), Công ty CP Quốc tế Hoàng Nam (huyện Nhà Bè), Công ty TNHH ĐTTMDV Yến đảo Cần Giờ (huyện Cần Giờ), hộ kinh doanh Yến sào Khánh Đan (huyện Cần Giờ).
Thông qua ký kết này đã nâng tổng số sản phẩm OCOP đang kinh doanh trên hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… lên hơn 500 sản phẩm. Đây là các mặt hàng đến từ các hợp tác xã (HTX) trên toàn quốc như TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Quốc - Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên…
Theo ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, việc sản phẩm OCOP tăng trưởng nhanh chóng về chủng loại trong hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… là kết quả hiện thực hóa quá trình kết nối giao thương giữa Saigon Co.op với các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Đặc biệt, sản phẩm OCOP khi được vào hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… sẽ được hỗ trợ và ưu tiên các vị trí đắc địa nhất trong siêu thị. Ngoài ra, còn được hỗ trợ thông qua các bảng biểu chỉ dẫn, chương trình khuyến mãi… nhằm tạo điều kiện để hàng OCOP tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng.
Cũng trong nỗ lực tạo đầu ra cho sản phẩm OCOP, đầu tháng 7, Saigon Co.op đã đồng loạt tổ chức chương trình “Đồng hành cùng OCOP - Tôn vinh nông sản Việt” tại 800 điểm bán trên cả nước với các hoạt động: trưng bày, quảng bá, kích cầu, dùng thử sản phẩm… Đây cũng là năm đầu tiên Saigon Co.op đưa sản phẩm OCOP bán trực tuyến trên website mua sắm www.cooponline.vn để thông qua đó khách hàng có thể mua sắm sản vật các địa phương trong cả nước.
Là chủ thể có sản phẩm OCOP được đưa vào hệ thống của Saigon Co.op, ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn trái Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương) cho biết, kênh phân phối siêu thị đã hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện HTX Tân Mỹ đang có bưởi da xanh đạt OCOP 4 sao kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart với doanh số trên 10 tấn mỗi tháng.
Theo ông Sang, để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trước hết nông sản phải đạt chuẩn VietGAP, nuôi trồng theo phương thức an toàn, kiểm soát hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, sản phẩm còn phải xét các tiêu chí khác như sử dụng nguyên vật liệu địa phương, đặc trưng của địa phương… Vì thế, chương trình “Đồng hành cùng OCOP” Saigon Co.op triển khai không chỉ tăng thêm đầu ra nông sản mà còn giúp bà con yên tâm canh tác theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao giá trị nông sản.
Đại diện Công ty Thiên nhiên Việt và Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu cũng khẳng định, việc đưa sản phẩm OCOP lên quầy kệ siêu thị Co.opmart đã và đang giúp doanh nghiệp quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng, từng bước thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, là HTX tiêu biểu hàng đầu với hệ thống mạng lưới điểm bán trải rộng khắp 43/63 tỉnh thành cả nước, Saigon Co.op là cầu nối quan trọng đưa các sản phẩm, nông sản OCOP chất lượng cao đến gần với người tiêu dùng cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Kế hoạch sắp tới, Saigon Co.op tích cực tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại của các địa phương; chủ động tìm kiếm, mở rộng nguồn cung; xây dựng các hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, cơ sở sản xuất… điều kiện cần và đủ để nhanh chóng đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống.