Ngày 10-5, diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum VOBF 2022) được tổ chức tại TPHCM với sự tham dự của hàng trăm cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
VOBF 2022 là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng lớn và ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Theo các diễn giả, tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch.
Trong đại dịch, thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight vừa công bố cho thấy, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.
Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết, ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Còn theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Hiện nay, ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Phân khúc giá 200.000-500.000 đồng dễ “chốt đơn” nhất trên tất cả các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín. Do đó, doanh nghiệp cần nắm bắt xu thế này để có thể tận dụng và đưa ra chiến lược kinh doanh sau dịch hiệu quả hơn.
Trong khi đó, báo cáo chỉ số thương mại điện tử EBI 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát hành vào tháng 4-2022 cho thấy, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử năm 2021 của các địa phương là 8,5 điểm. Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 phản ảnh rõ ràng, có định lượng khoảng cách giữa các địa phương.
Theo đó, khoảng cách chênh lệch trong phát triển thương mại điện tử của TPHCM và Hà Nội bỏ xa những tỉnh thành còn lại. Cụ thể, điểm của top 10 tỉnh, thành: thành phố Cần Thơ 8,59 điểm, Bắc Ninh 9,41 điểm, Khánh Hòa 9,71 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu 9,99 điểm, Hải Phòng 11,11 điểm, Đồng Nai 11,14 điểm, Bình Dương 14,76 điểm, thành phố Đà Nẵng 19,04 điểm, thành phố Hà Nội 55,66 điểm và TPHCM đạt 67,63 điểm.