Sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng

Năm 2023, TPHCM đặt kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng. Mục tiêu là vậy nhưng làm sao để khách chi tiêu nhiều, lưu trú dài ngày đang là điều trăn trở đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú…
Tour ngắm TPHCM bằng xe buýt hai tầng được đông đảo du khách lựa chọn. Ảnh: THI HỒNG
Tour ngắm TPHCM bằng xe buýt hai tầng được đông đảo du khách lựa chọn. Ảnh: THI HỒNG

Các “bữa tiệc” chưa như kỳ vọng

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của ngành du lịch TPHCM trong việc bày ra các “bữa tiệc” để thu hút du khách, nhưng thực tế vẫn còn nhiều sản phẩm chưa thể thành hình như kỳ vọng, mà các phố ẩm thực là một ví dụ.

Nếu có dịp rảo quanh các tuyến phố ẩm thực sầm uất như Vĩnh Khánh (quận 4), Hồ Thị Kỷ (quận 10)…, dễ thấy đây chỉ là các điểm kinh doanh ăn uống đơn thuần, thiếu hẳn các sản phẩm đặc trưng để đón khách du lịch.

Tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh, khách đến đây ăn uống, nhậu nhẹt đông nghẹt, nhưng muốn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực thì… chẳng biết hỏi ai. Hay như ở tuyến phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, các gian hàng bán đồ ăn nhanh, hải sản rất nhiều, nhưng chỉ để ăn thôi, vì tiểu thương nói rằng “phố ẩm thực mà”.

Có dịp đi du lịch nhiều nước, trải nghiệm nhiều nơi, chị Lê Thúy Ngọc (ngụ đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3) cho rằng, hầu hết tuyến phố ẩm thực của TPHCM giống quán nhậu, mua đem đi, chứ chưa ra dáng phố ẩm thực.

“Rất khó để so sánh các tuyến phố này với các tuyến phố tương tự ở Thái Lan hay Đài Loan (Trung Quốc)... Ở Thái Lan hay Đài Loan (Trung Quốc), phố ẩm thực có sự quy hoạch bài bản, có không gian rộng lớn, nên có thể vừa tổ chức ăn uống vừa giới thiệu các chương trình nghệ thuật biểu diễn, chương trình tạp kỹ; quảng bá cái hay, đẹp trong văn hóa ẩm thực cho du khách. Là vùng đất hội tụ nhiều nét văn hóa, nhiều món ăn ngon với nguồn gốc văn hóa độc đáo nhưng rất tiếc, TPHCM đã không phát huy tốt điều này”, chị Thúy Ngọc nhận xét.

Theo các đơn vị lữ hành, không chỉ các tuyến phố ẩm thực mà nhiều địa điểm, nhiều hoạt động khác nhằm thu hút du khách cũng chưa được tổ chức tốt. Ví dụ, các chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Chợ Lớn… trước kia thu hút khá nhiều du khách, nay chẳng còn mấy người bước chân vào vì nhiều nơi trong các chợ này đã xuống cấp, hàng hóa nghèo nàn, chất lượng kém.

Trong khi đó, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thiếu chương trình kích cầu du lịch. Chưa kể, để du khách có thể dạo bước ngắm cảnh thành phố thì đường phố phải sạch đẹp, gọn gàng, phải có vỉa hè cho người đi bộ, phải có cây xanh che mát… Nhưng TPHCM gần như chưa đáp ứng được tất cả những điều này.

Sở Du lịch TPHCM trình chiến lược phát triển du lịch trong tháng 4-2023

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa yêu cầu Sở Du lịch TPHCM trình chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch TPHCM ngay trong tháng 4-2023, trong đó có kế hoạch cụ thể triển khai sản phẩm, cơ sở hạ tầng, chính sách… Đồng thời cần tính toán, đo lường nguồn khách, mức chi tiêu để từ đó thiết kế sản phẩm mới, nâng chất sản phẩm du lịch (mua sắm, dịch vụ, văn hóa…) phù hợp. Mục tiêu hướng đến trong phát triển du lịch TPHCM là cần tính đến hiệu quả, chất lượng, không chạy theo số lượng.

Phải đa dạng sản phẩm du lịch

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Du lịch TPHCM, mức chi tiêu bình quân mỗi ngày (thời điểm trước dịch Covid-19) của khách quốc tế đến TPHCM khoảng 3 triệu đồng/người/ngày và của khách nội địa là 1,6 triệu đồng/người/ngày.

Hiện, Sở Du lịch TPHCM tiếp tục các phương án thu hút dòng khách đến từ các thị trường chi tiêu cao như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia…, với các gói sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, nhóm khách MICE (hội thảo kết hợp du lịch) sẽ được TPHCM đón tiếp bằng các tour đường sông, khám phá ẩm thực đêm Sài Gòn, du lịch golf, mua sắm…

Đoàn khách Australia trải nghiệm điểm đến trong tour Biệt động Sài Gòn vào ngày 11-4-2023

Đoàn khách Australia trải nghiệm điểm đến trong tour Biệt động Sài Gòn vào ngày 11-4-2023

Góp ý về các giải pháp thu hút du khách, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nêu ý kiến: “Singapore ít tài nguyên du lịch nên họ hướng tới xây dựng đảo quốc này thành thiên đường mua sắm với nhiều chính sách miễn thuế cho du khách. Họ hình thành hàng loạt trung tâm mua sắm quy mô lớn, các cửa hàng thương hiệu từ cao cấp tới trung cấp, các cửa hàng miễn thuế tập trung trên nhiều cung đường, xây dựng các khu phức hợp trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp giải trí… Do vậy, dù Singapore có diện tích tương đương đảo Phú Quốc nhưng mức chi tiêu của khách đến đây luôn cao vượt trội so với khách đến Việt Nam. Với vị trí địa lý tốt, TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm này”.

Còn ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, kiến nghị: “Cần quản lý tốt các điểm đến, nơi ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh để khách yên tâm đến vui chơi, thưởng ngoạn”.

Trong khi đó, một số hãng lữ hành xác nhận, khách Việt đi du lịch nước ngoài nhiều, chi tiêu “mạnh tay”. Đáng lẽ đây cũng chính là lượng khách vô cùng tiềm năng đối với du lịch trong nước, nhưng tiếc rằng chưa kích thích được tiêu dùng của những du khách này. Do đó, theo các hãng lữ hành, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay chính là tính liên kết giữa các địa phương, các điểm đến, doanh nghiệp hàng không, du lịch… nhằm thu hút khách hàng, tránh tình trạng đến hẹn lại tăng giá, mạnh ai nấy làm. Kích cầu tốt, trợ giá hiệu quả sẽ kích thích người Việt đi du lịch nội địa, và TPHCM cũng nên nhắm đến đối tượng du khách này để tăng thêm nguồn thu cho du lịch thành phố.

Ghi nhận của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, TPHCM hiện có 366 tài nguyên du lịch, với hơn 60 sản phẩm du lịch được giới thiệu đến du khách.

“Vòng đời của các sản phẩm được làm mới liên tục để đón khách. Hiện tại, chúng tôi đang có tour TPHCM - Củ Chi - Gò Vấp, TPHCM - Mộc Hóa (Long An) - TP Thủ Đức 3 ngày 2 đêm… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiết kế tour riêng phù hợp theo yêu cầu của khách”, một lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM thông tin.

Cũng theo Sở Du lịch TPHCM, trong năm 2023, ngành du lịch TPHCM sẽ tiến hành khảo sát chi tiết, cụ thể hơn về mức chi tiêu và độ dài ngày lưu trú của du khách đến TPHCM, từ đó đưa ra giải pháp thu hút du khách hiệu quả hơn.

Phát triển du lịch văn hóa

Ngày 14-4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, vai trò của văn hóa với du lịch là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu du lịch văn hóa, cũng như thiếu tuyên truyền văn hóa thông qua du lịch. Văn hóa Việt Nam vốn có bề dày lịch sử, rất phong phú, đa dạng và rất thú vị với nhiều câu chuyện hay. Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng, việc tuyên truyền qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật là một trong những phương tiện và con đường nhanh, hiệu quả và thú vị nhất để tiếp cận khán giả, du khách. Vì vậy, cần có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đề cao các giá trị văn hóa cũng như chắt lọc được câu chuyện hay, chưa khai thác từ kho tàng dân gian Việt Nam.

Đồng quan điểm, các đại biểu cũng cho rằng, để thực sự tận dụng được nguồn tài nguyên và phát triển du lịch văn hóa, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa để tạo động lực cho du lịch cất cánh.

MAI AN


* Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Nghiên cứu xu hướng du lịch sau dịch Covid-19

Mức chi tiêu của khách đến TPHCM chưa xứng với tiềm năng. Một trong các nguyên nhân là xu hướng tiêu dùng của du khách thay đổi (khách tiết kiệm hơn, đi các tour ngắn ngày hơn…). Kế đến, sau đại dịch Covid-19, nhiều sản phẩm du lịch không thể khai thác do doanh nghiệp chưa đủ lực khôi phục; một số dịch vụ cao cấp chưa hoạt động trở lại, thiếu tính đa dạng để đáp ứng nhu cầu vui chơi của khách… Do vậy, Sở Du lịch đang gấp rút thống kê và có những khảo sát, đánh giá chi tiết vấn đề này để phục vụ cho công tác phát triển du lịch trong thời gian tới.

* Bà Lê Quỳnh Thư, Giám đốc Apex Multimedia: Lễ hội đặc sắc là những điểm nhấn thu hút du khách

Hiếm tỉnh, thành nào ở Việt Nam có nhiều lễ hội như tại TPHCM, với điểm nhấn hiện đại, năng động đặc trưng. Chẳng hạn, một số lễ hội trình diễn công nghệ mới nhất trên thế giới đều xuất phát đầu tiên ở TPHCM, trong đó có Lễ hội âm thanh, ánh sáng; Lễ hội khinh khí cầu; Lễ hội Hò dô (mang đậm bản sắc truyền thống kết hợp công nghệ)… Bên cạnh đó, TPHCM còn có hàng loạt lễ hội khác, trải dài từ đầu năm đến cuối năm, cũng là những cơ hội thu hút du khách.

Gia Hân ghi

Tin cùng chuyên mục