- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, kế hoạch tạo “bệ đỡ” cho sản xuất sản phẩm chủ lực của TPHCM là gì?
>> Ông Nguyễn Phương Đông: Trước tiên cần xác định mục tiêu công bố các nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố là để đưa ra được danh mục sản phẩm đủ sức lan tỏa, có khả năng dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển. Song song đó, với trách nhiệm là đơn vị đầu mối, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND TPHCM các nhóm chính sách hỗ trợ. Trong thời gian qua và sắp tới, sở sẽ tích cực thực hiện chủ trương của thành phố là sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Trên cơ sở đó, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Sở Công thương thì sở sẽ tháo gỡ ngay, còn những vấn đề liên quan đến sở ngành khác sẽ được sở ghi nhận và báo cáo về đơn vị liên quan cũng như UBND TPHCM, nhằm có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Điển hình, về mặt bằng, thành phố sẽ tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực như hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành. Doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng trên địa bàn TPHCM sẽ được xem xét ưu tiên quỹ đất. Hỗ trợ tạo điều kiện về thủ tục hành chính khi các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, mở rộng sản xuất. Còn về cơ chế vốn, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực sẽ được hưởng chính sách ưu tiên trong Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM; hỗ trợ tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; sản phẩm được ưu tiên sử dụng cho các công trình đầu tư công, mua sắm công của thành phố. Hiện Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang lập danh mục Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố theo Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố giai đoạn 2018 - 2020 để hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các sở đang đề xuất bổ sung nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực vào danh mục Chương trình kích cầu đầu tư này.
- Vậy những chính sách nào thúc đẩy tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất?
Thực tế hiện nay việc tiếp cận và đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất ở một số doanh nghiệp vẫn còn yếu do thiếu thông tin. Do vậy, định kỳ hàng năm, các sở, ban, ngành sẽ tổ chức liên kết 3 bên, gồm: nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để thúc đẩy các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của doanh nghiệp. Song song đó, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực được ưu tiên tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, quản lý năng lượng, sở hữu trí tuệ… Về lâu dài, các cơ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp nên tính đến phương án dịch chuyển vào khu chế xuất - khu công nghiệp với điều kiện hoạt động ổn định hơn và dễ dàng tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ, tiếp cận mới công nghệ, cải tiến sản phẩm... Đặc biệt, hỗ trợ giải quyết tranh chấp và xác lập quyền nhãn hiệu của sản phẩm công nghiệp chủ lực, hỗ trợ tư vấn, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ… Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện phát triển, ứng dụng công nghệ thúc đẩy danh mục sản phẩm chủ lực trong thời kỳ 4.0.
Để đào tạo nguồn nhân lực, Sở Công thương, Sở LĐTB-XH đề xuất thành phố đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên và hỗ trợ phí tham gia các chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước do thành phố tổ chức. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực còn được thành phố hỗ trợ kinh phí tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó, tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực và đẩy mạnh phát triển, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển bền vững.
- Thưa ông, các nhóm giải pháp lớn mà doanh nghiệp cần quan tâm là gì?
Danh mục 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, giai đoạn 2018 - 2020, được công bố dựa trên nền tảng hoàn thiện cũng như bổ sung những tiêu chí phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong công tác xác định tiêu chí, chọn ra nhóm sản phẩm có sự tham gia phối hợp giữa các sở, ngành và hiệp hội. Bởi nếu đi vào từng sản phẩm thì dài dòng và khó, nên thành phố thống nhất danh mục nhóm sản phẩm chủ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm: nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; nhóm sản phẩm thiết bị điện; nhóm sản phẩm từ nhựa, cao su; nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; nhóm sản phẩm trang phục may sẵn.
Để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, trong thời gian qua các sở ngành đã tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. Song song đó, các sở, ban, ngành phối hợp tích cực trong việc triển khai những cơ chế chính sách trên đến các doanh nghiệp. Đặc biệt, dựa vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, UBND 24 quận - huyện và hiệp hội, ngành nghề trên địa bàn TPHCM triển khai rà soát và có chiến lược hỗ trợ, ưu tiên, khuyến khích và tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, UBND TPHCM cam kết triển khai các chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố trở thành những thương hiệu mạnh và có khả năng cạnh tranh. Với sự tham gia đồng bộ của thành phố trong thúc đẩy nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, kỳ vọng trong thời gian tới nhóm sản phẩm này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thành những thương hiệu mạnh mang tầm khu vực, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp thành phố vươn lên hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.