Sản phẩm công nghệ sinh học: Ứng dụng ngày càng mạnh mẽ trong y học

Công nghệ sinh học (CNSH) đang tác động đến nhiều lĩnh vực trong quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng tăng trưởng xanh. Ứng dụng CNSH trong y tế đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm và TPHCM cũng đầu tư nhiều chương trình trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu công nghệ sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TẤN BA
Nghiên cứu công nghệ sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TẤN BA

Ứng dụng sâu vào ngành y tế

Th.S - dược sĩ Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Viện Nghiên cứu bào chế thuốc và các hoạt chất tự nhiên Việt Nam, cho biết, quy mô thị trường ngành CNSH công nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3,672 tỷ USD vào năm 2030 và đạt tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) doanh thu là 9,9% trong giai đoạn dự báo. CNSH hiện đại tập trung chủ yếu vào y học, phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh hiếm gặp và phức tạp, các xét nghiệm để xác định chính xác hơn các bệnh lý di truyền.

Trong lĩnh vực y tế, các thử nghiệm lâm sàng từng là một quá trình thủ công, nhưng nhờ ứng dụng các công nghệ mới, việc thử nghiệm phương pháp điều trị với thời gian ngắn hơn, quy trình chuyển giao từ nghiên cứu sang thương mại sản phẩm CNSH chỉ trong vòng 2-5 năm. “Chúng tôi nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như công nghệ sản xuất polymer sinh học, công nghệ chế tạo, sản xuất thử nghiệm các chế phẩm sinh học thế hệ mới ứng dụng trong sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu công nghệ và quy trình sản xuất lợi khuẩn Probiotic, chế phẩm Enzime, Premix…”, Th.S - dược sĩ Phan Văn Hiệu chia sẻ.

Theo TS Bùi Đình Thạch, Viện Sinh học nhiệt đới, hiện nay ứng dụng của CNSH trong y dược được chia thành 4 nhóm, gồm: dược phẩm sinh học (công thức và thành phần của các loại thuốc thu nhận từ thực vật, động vật, vi sinh vật); dược - genomic (sản xuất các loại thuốc phù hợp nhất với cấu trúc di truyền cho từng bệnh nhân); chẩn đoán phân tử (các kỹ thuật như công nghệ DNA tái tổ hợp, phản ứng chuỗi polymerase và xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme); liệu pháp gen (sử dụng để điều trị các rối loạn di truyền với sự trợ giúp của các véctơ như retrovirus, adenovirus và virus herpes simplex).

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra dự báo, CNSH trong lĩnh vực y tế đã tăng trưởng gấp đôi ở nhiều nước trên thế giới và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tương lai. Ngày càng có nhiều công ty chuyển sang sản xuất giai đoạn cuối sau những kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn trong công tác chữa trị các bệnh lý về ung thư, y học tái tạo và bệnh hiếm gặp. Với những ứng dụng của CNSH hứa hẹn về khả năng mở rộng quy mô sản xuất, FDA sẽ cấp 10 đến 20 phê duyệt liên quan đến liệu pháp gen và tế bào mỗi năm cho đến năm 2025 khi CNSH tiếp tục đẩy nhanh các dự án nghiên cứu mới.

Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất

TPHCM đã xác định các nhiệm vụ tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống, nhằm phát triển CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế. Theo đó, UBND TPHCM đã giao Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) xây dựng và triển khai Đề án mở rộng SHTP với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một khu công nghệ cao đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học - công nghệ. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực CNSH. Cụ thể, SHTP tập trung nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các loại thuốc sinh học, vaccine, các quy trình chẩn đoán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh và thử nghiệm dược phẩm; ứng dụng công nghệ giải mã gen hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu về bộ gen người tại Việt Nam; nghiên cứu và phát triển nguyên liệu, quy trình bào chế các loại thuốc sinh học, thực phẩm có nguồn gốc từ thảo dược…

Ông Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết, đơn vị đang phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất có thế mạnh về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm và CNSH trong và ngoài nước để thực hiện các dự án ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Hiện SHTP có 161 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 27 dự án trong lĩnh vực CNSH với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. “Vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đơn vị đã đề xuất một số chính sách nhằm thúc đẩy ngành CNSH và triển khai hợp tác dưới hình thức liên kết “3 nhà”. Theo đó, SHTP liên kết với Đại học Quốc gia TPHCM, các viện, trường và các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao. Dựa vào thế mạnh riêng, “3 nhà” sẽ cung cấp nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất... để cùng tạo ra các sản phẩm CNSH có chất lượng cao. Đây là một hướng đi quan trọng của SHTP trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Cường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục