Sáng 29-5, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ hè thu 2020, triển khai kế hoạch vụ thu đông và vụ mùa 2020, ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa hè thu 2020 ở các tỉnh Nam bộ gieo trồng hơn 1,6 triệu ha, giảm 29.000 ha; sản lượng ước đạt hơn 9,1 triệu tấn, tăng 44.000 tấn so với vụ hè thu 2019. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,53 triệu ha, giảm 30.000 ha; sản lượng ước đạt 8,7 triệu tấn, tăng 31.000 tấn.
Đến nay, tiến độ gieo trồng lúa vụ hè thu 2020 hơn 1 triệu ha, đạt khoảng 62,21% kế hoạch; trong đó ĐBSCL xuống giống đạt 967.847 ha và đã thu hoạch 53.223 ha, chiếm 5,5% diện tích xuống giống.
Dự kiến từ nay đến tháng 9, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch xong vụ hè thu. Qua tính toán, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước, thì lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn…
Đối với mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL vẫn duy trì diện tích mỗi vụ khoảng 140.000-150.000 ha; bình quân mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất từ 10- 15%; sản lượng tăng 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa thu đông 2020 ở ĐBSCL tới đây, dự kiến có 2 phương án sản xuất.
Phương án 1, ước gieo sạ 750.000 ha, tăng 25.800 ha so với cùng kỳ 2019; sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 215.000 tấn. Cần thấy rằng diện tích sản xuất lúa thu đông trong 5 năm trở lại đây ở ĐBSCL dao động từ 730.000- 770.000 ha, năm cao nhất là 2016 với 825.000 ha. Vì vậy, phương án 1 được cho là khả thi nhất.
Còn phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000 ha, tăng 75.800 ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn. Song, sản xuất lúa vụ thu đông thường có lợi nhuận thấp so với các vụ lúa khác trong năm và độ rủi ro cao do mưa lũ gây thiệt hại...
Tuy nhiên, dự báo mùa lũ năm nay ở mức thấp, đồng thời giá bán lúa thương phẩm vụ đông xuân và hè thu 2020 khá cao, nên lợi nhuận cũng tăng và nhiều dự báo giá lúa vẫn tiếp tục ổn định.
Từ cơ sở đó, nhiều ý kiến nhìn nhận việc áp dụng phương án 2 nhằm tăng sản xuất lúa thu đông để nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận và một phần bù đắp cho sản lượng lúa thiếu hụt của vụ đông xuân 2019-2020 do ảnh hưởng hạn mặn…
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ lưu ý: “Từ nửa cuối tháng 5-2020, dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5-20%, mực nước đầu nguồn Cửu Long ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,3m. Xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần. Mùa lũ năm 2020, nhận định ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long; đỉnh lũ có khả năng chỉ ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2- 0,4m; dự báo đỉnh lũ xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9-2020”.
Hiện tại toàn vùng ĐBSCL có 4.130 ô bao kiểm soát lũ với diện tích 1 triệu ha; trong đó kiểm soát lũ an toàn là 3.656 ô bao, với diện tích 903.000 ha. Việc sản xuất lúa thu đông tập trung chủ yếu trong vùng đê bao kiểm soát lũ, nên sẽ an toàn. Tuy nhiên, việc xuống giống vụ lúa thu đông cần dựa trên tiến độ thu hoạch lúa hè thu 2020, cũng như việc chuẩn bị thời vụ cho lúa đông xuân 2020-2021 một cách hợp lý.
Riêng vụ mùa 2020-2021, ở các tỉnh Nam bộ diện tích lúa gieo sạ khoảng 278.000 ha, tăng 9.600 ha; sản lượng 1,3 triệu tấn, tăng 97.000 tấn. Theo đó, lúa mùa trên nền đất nuôi tôm sẽ xuống giống vào tháng 7 và tháng 8; diện tích lúa mùa một vụ sẽ xuống giống trong tháng 9…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, năm nay hạn mặn rất gay gắt nhưng các tỉnh ĐBSCL đã khắc phục và đạt thắng lợi vụ đông xuân rất đáng khen ngợi; nay tiếp đà này để vụ hè thu thành công. Quan điểm chung là Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt cùng các địa phương tổ chức sản xuất hợp lý, để các vụ lúa trong năm 2020 đạt kết quả tốt nhất, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực và gia tăng xuất khẩu…