Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn vùng Nam bộ xuống giống hơn 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha, năng suất ước đạt 69,35 tạ/ha, tăng 2,05 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11,2 triệu tấn, giảm 129.000 tấn so với vụ đông xuân 2018–2019.
Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha, giảm 63.000 ha; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, giảm 118.000 tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày so với vụ đông xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt. Có thể nói, tình hình hạn mặn về sớm, lấn sâu và kéo dài, nhưng nhờ chủ động nên vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản được mùa.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Vụ đông xuân này, nông dân Cần Thơ sản xuất 77.000ha và đến nay thu hoạch xong 100%. Năng suất lúa khá cao đạt bình quân tới 72 tạ/ha, giá bán trung bình khoảng 5.300 đồng/kg trở lên, nhờ đó nông dân đạt lợi nhuận khoảng 40%, sau khi trừ chi phí. Đây là mức lợi nhuận khá tốt”.
Mặt được là vậy, tuy nhiên do ảnh hưởng hạn mặn dữ dội đã khiến 16.500 ha lúa mùa (trên đất nuôi tôm) ở Cà Mau bị thiệt hại; trong đó mất trắng gần 14.000 ha. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, có 33.800 ha lúa bị ảnh hưởng do mặn hạn ở các mức độ khác nhau (năm 2015-2016 diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 150.000 ha), trong đó mất trắng trên 15.400 ha, ở Trà Vinh, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng...
Đa phần diện tích lúa thiệt hại là do xuống giống trễ, không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Chặng, ngụ xã Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) nhìn nhận: “Dù đã lường trước đợt hạn mặn của năm 2016, nhưng nông dân không ngờ hạn mặn năm 2020 này lại dữ dội hơn. Vì vậy, hơn 1ha lúa của gia đình tôi gieo sạ muộn trong tháng 1-2020 bị thiếu nước tưới, mặn tấn công... nên lúa không vô hạt và chết tràn lan”.
Đối với vụ hè thu 2020, theo Bộ NN-PTNT toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1,6 triệu ha. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,5 triệu ha. Cần tập trung bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống vụ hè thu có sự tính toán đến vụ thu đông và mùa 2019 hợp lý. Kế hoạch xuống giống hè thu trong tháng 3 và tháng 4-2020 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu và vùng Đồng Tháp Mười cùng một phần Tứ giác Long Xuyên. Trong tháng 5 xuống giống các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh; tháng 6 khi có mưa sẽ xuống giống các vùng ven biển ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...
Các tỉnh ĐBSCL cho rằng, việc sản xuất lúa hè thu đang được chủ động và sản xuất phù hợp theo diễn biến hạn mặn nhằm đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lúc này là giá lúa ở ĐBSCL có chiều hướng giảm khoảng 200 - 500 đồng/kg, sau khi có chủ trương tạm ngưng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo; điều này tác động đến tâm lý người dân. Về cơ bản sản lượng lúa không thiếu, do đó, các tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan, sớm có giải pháp hợp lý cho xuất khẩu gạo...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, thời tiết khó khăn nhưng vụ đông xuân ở ĐBSCL thắng lợi là rất đáng mừng; vì vậy vụ hè thu tới, Bộ khuyến cáo các vùng nước ngọt ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... tranh thủ gieo sạ sớm. Vùng ven biển thì khi nào không còn mặn và rửa mặn mới sản xuất. Quan điểm chung là nỗ lực thắng lợi vụ hè thu và vụ thu đông 2020 nhằm phục vụ tốt cho xuất khẩu gạo và an ninh lương thực...