Theo kết luận của CSIS, căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông do Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp giữa lúc xuất hiện nhiều quan ngại về trữ lượng cá. Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ cho nghề cá với hàng tỷ USD trợ cấp được chi để tăng số lượng tàu cá của nước này trong khu vực. Năm 2018, CSIS phát hiện Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 7,2 tỷ USD trợ cấp cho ngư dân để đảm bảo họ có thể đánh bắt xa bờ hơn trong thời gian dài hơn ở Biển Đông. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở vùng biển giàu tài nguyên này đã khiến ngư dân của các nước láng giềng phải thu hẹp phạm vi đánh bắt vào gần bờ và khiến giá cá tăng mạnh.
Bà Tabitha Mallory, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu hải dương Trung Quốc - một tổ chức nghiên cứu chính sách ngư nghiệp - khẳng định, Bắc Kinh có lợi thế rất lớn so với các nước láng giềng như Philippines, bởi nước này có thể né tránh một số quy định đánh bắt cá nhất định. Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera, bà Mallory tiết lộ: “Một trong những hành động mà Trung Quốc thực hiện là né tránh một số quy định hạn chế mà các quốc gia áp đặt đối với các đội tàu cá nước ngoài bằng cách đăng ký các tàu của họ ở một quốc gia khác. Một báo cáo gần đây ước tính, có đến 1.000 tàu cá thuộc sở hữu của Trung Quốc đang hoạt động theo cách này”.
Cùng quan điểm trên, hồi đầu tháng 9-2020, trong một bài báo trên đăng tờ Bloomberg, TS John McManus, giáo sư ngành sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ), cho biết, nguồn hải sản ở Biển Đông đang bị khai thác quá mức và gần đến ngưỡng tới hạn, cá không kịp sinh sản để bù cho lượng cá đã bị khai thác. Trong đó, Trung Quốc là nước đánh bắt nhiều nhất thế giới và là một trong những quốc gia tài trợ cho các đội tàu đánh cá xa bờ nhiều nhất.