Săn lùng trải nghiệm ảo

Drone racing (đua máy bay không người lái) kết nối với kính thực tế ảo đang là một trong những món đồ chơi được người trẻ săn lùng và khám phá bởi tính hấp dẫn nó mang lại.

 
Để có chiếc drone hoàn chỉnh đòi hỏi kỹ năng lắp ráp kiên trì và tỉ mỉ. Ảnh: Internet
Để có chiếc drone hoàn chỉnh đòi hỏi kỹ năng lắp ráp kiên trì và tỉ mỉ. Ảnh: Internet

Drone racing chỉ mới xuất hiện trên thế giới vài năm trở lại đây và du nhập vào nước ta khoảng 2 năm nay nhưng đã nhanh chóng chinh phục được một bộ phận giới trẻ.

Những người mê drone racing trước đây cũng là dân “cuồng” máy bay mô hình điều khiển từ xa rồi sau này là flycam. Về cơ chế hoạt động, drone cũng là một loại flycam nhưng flycam nói chung được giới trẻ sử dụng trong quay phim, chụp ảnh từ trên cao và điều khiển bằng hình ảnh camera gửi về smartphone.

Drone racing cũng giúp quay phim, chụp ảnh nhưng người chơi điều khiển bằng bộ điều khiển tay dựa vào hình ảnh được camera trực tiếp truyền về qua kính thực tế ảo. Tuy nhiên, điều mà drone racing thu hút người chơi chính là tạo cho họ trải nghiệm cảm giác tốc độ lên tới 150-200km/giờ và không gian khá chân thực, dù chỉ ngồi một chỗ, đồng thời giúp người chơi luyện được phản xạ qua tốc độ và những cú nhào lộn trên không trung.

Anh Trần Anh Hào (ngụ đường Nguyễn Hoàng, quận 2), một người chơi drone racing từ khi còn du học ở Canada cho biết: “Drone racing rất kén người chơi, không phải ai chơi cũng được nhưng khi đã hiểu về nó và có kỹ năng thì lại mê không dứt ra được, vì nó đem đến cho người chơi cảm giác và trải nghiệm như một phi công thực thụ, rất thú vị. Trước tiên, để tiếp cận drone racing, người chơi phải luyện kỹ năng lắp ráp, sau đó luyện tập ngoài không gian thực tế mỗi ngày. Với những người mới chơi, cảm giác mất thăng bằng, hụt hơi hoặc nôn ói là chuyện bình thường, vì vậy người chơi phải kiên trì, phải có sức khỏe thật để chiến thắng trải nghiệm ảo”.

Nếu như flycam là món đồ chơi được bán khi đã lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh thì hiện nay drone không bán sẵn mà người chơi phải mua bộ sản phẩm là các linh kiện để tự lắp ráp, với chi phí từ 10-25 triệu đồng/chiếc. Giới chơi drone racing cho rằng, việc lắp ráp thành công một chiếc drone không hề đơn giản, người chơi cần dành nhiều công sức để nghiên cứu cơ chế hoạt động qua sách báo, tìm hiểu kinh nghiệm từ bạn bè có cùng sở thích. Vì chi phí khá cao, lại đòi hỏi kỹ năng khi lắp ráp các linh kiện nhỏ bé nên hiện TPHCM không có nhiều người chơi chuyên nghiệp loại hình này. Nhưng đây cũng đang là xu hướng mà nhiều người trẻ tiếp cận.

Dù chi phí bỏ ra để có một chiếc drone khá cao nhưng hiện trên các diễn đàn dành cho người chơi drone, nhiều phụ huynh ở TPHCM cũng đang hướng con em mình vào trò chơi này, vừa nhằm mục đích giải trí, đồng thời là cách để trẻ tập trung vào những thú vui lành mạnh, tránh xa các loại game online bạo lực đang thu hút tuổi mới lớn.

Drone racing vừa giúp người chơi luyện tính kiên trì, luyện phản xạ và có những cảm giác thú vị qua trải nghiệm ảo, nhưng đây cũng đang là mối lo ngại của nhiều người. Hiện người chơi drone racing còn đang coi nó là trò chơi tự phát, chưa quan tâm đến những chế tài được pháp luật quy định cụ thể sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy như gây tai nạn cho người xung quanh hoặc xâm phạm không gian riêng tư của người khác…

Tin cùng chuyên mục