Khắc họa vẻ đẹp hào hùng
Sân khấu Cải lương mới Đại Việt của ông “bầu” - soạn giả Hoàng Song Việt vừa sáng đèn vở Người ven đô (tác giả: Minh Khoa, chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vở có sự tham gia biểu diễn của dàn nghệ sĩ: NSND Phượng Loan, NSND Hoa Phượng, các NSƯT Lê Tứ, Bảo Trí, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa…
Câu chuyện truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, của người dân 18 Thôn Vườn Trầu qua bàn tay đạo diễn tài hoa của NSƯT Hoa Hạ dàn dựng mang đầy tính tự sự, như kể cho khán giả nghe một câu chuyện rất đời, thấm đẫm chất tình, thể hiện bằng hình ảnh, diễn xuất, âm nhạc, lời ca và những cảm xúc chân thật của ê kíp thực hiện. Với nhiều cảnh diễn đạt chiều sâu tâm lý lay động lòng người, vở đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả vì tính chân thực, gần gũi, khơi gợi cảm xúc, sự tưởng nhớ về công ơn của bao lớp người đã ngã xuống vì một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ cho biết đã rất xúc động khi hiểu được ngọn nguồn kịch bản Người ven đô của cố nhà văn - Đại tá Minh Khoa: “Trước đây, tôi đã dựng hai kịch bản cách mạng của chú là vở Người mẹ cây mai (đoàn Bông Hồng) và Người không cô đơn (Đài Truyền hình TPHCM). Vì vậy, với Người ven đô, tôi quyết tâm phải dựng vở thật hay, như lời tri ân của tôi gửi đến chú, một người cha, người thầy, lúc sinh thời đã luôn yêu thương và dạy dỗ cho tôi rất nhiều về nghề và cuộc sống”.
Cách đây 5 năm, nhân dịp lễ 30-4, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đầu tư lớn để dựng vở Rặng trâm bầu, khắc họa lại một cách chân thật nhất không khí chiến đấu hào hùng của ông cha ngày xưa, lồng ghép vào trong đó những câu chuyện kể đậm chất đời, chất tình, và nhờ đó chạm đến cảm xúc của khán giả. Vở nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các đơn vị quận, huyện, một số ban ngành, trường học, doanh nghiệp…; sau đó nhận được sự hỗ trợ từ Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM và từ lãnh đạo thành phố nên có thể liên tục diễn đến nay để phục vụ cộng đồng.
“Đây là động lực rất lớn giúp chúng tôi mừng vui, cảm thấy kinh phí đầu tư, công sức mình bỏ ra được nhìn nhận, được khán giả ủng hộ”, NSND Trịnh Kim Chi bày tỏ.
Phát huy trách nhiệm người làm nghề
Theo nhận định của một đạo diễn sân khấu nhiều năm kinh nghiệm, xu hướng xem kịch, cải lương của khán giả TPHCM là thường chọn những vở có tính giải trí để giảm áp lực từ cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, các sân khấu xã hội hóa hay dựng các vở hài, truyền thuyết dân gian, cải lương Hồ Quảng…
Tuy nhiên, thời gian qua, một số sân khấu xã hội hóa đã bắt đầu tham gia dựng những vở kịch có tính chính luận cao, như các vở chính kịch về những nhân vật lịch sử, các vở có đề tài đấu tranh cách mạng. Thậm chí, sân khấu Cải lương mới Đại Việt còn xem các vở chính luận, các vở có nội dung cách mạng là định hướng biểu diễn chính của đơn vị.
Soạn giả Hoàng Song Việt thẳng thắn nhận xét: “Bắt tay dựng Người ven đô, tôi đã nắm chắc không thu hồi được kinh phí. Nhưng tôi vui vì được làm nghề, dựng tác phẩm mình yêu thích. Sân khấu nếu toàn các vở giải trí, xem xong rồi quên thì sân khấu đó rất khó để phát triển. Khán giả sẽ dần chán sân khấu mà đi tìm loại hình nghệ thuật khác”.
Ông khẳng định, việc dựng các vở chính luận là mong muốn góp phần tạo nên sự đa dạng cho sân khấu TPHCM, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với hoạt động chung của xã hội, của đất nước, giúp nuôi dưỡng cảm xúc và lòng tự hào dân tộc cho khán giả. Mặt khác, việc dựng các vở lớn cũng là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ cọ xát với những vai diễn khó, nâng cao tay nghề, dần trưởng thành.
Mới đây, Công ty TNHH Phiêu Linh phối hợp Trường ĐH Văn hóa dựng vở Câu hò đất mẹ (đạo diễn Hoàng Duẩn), thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ. Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Vở được chúng tôi đầu tư dàn dựng như một công trình khoa học, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về kịch bản, tìm về các địa chỉ đỏ để ghi lại các tư liệu đúng nhất, tham khảo thêm nhiều truyện, sách, nghiên cứu văn hóa và âm nhạc các vùng miền, câu hò của các địa phương, sử dụng hợp lý nghệ thuật truyền thống trong một kịch bản sân khấu hiện đại”.
“Cái khó của việc đầu tư dựng tác phẩm sân khấu chính luận, truyền thống cách mạng chính là phải tìm kiếm đầu ra cho tác phẩm. Người làm nghệ thuật là vì đam mê, nhưng cũng mong muốn khi tác phẩm dàn dựng hoàn chỉnh sẽ được sáng đèn nhiều suất phục vụ đông đảo khán giả. Vì thế, các vở diễn sân khấu chính luận, truyền thống cách mạng, do các sân khấu xã hội hóa đầu tư dàn dựng rất cần bệ đỡ, nhất là từ Nhà nước, để được cùng góp sức vào công tác phục vụ chính trị, đưa vở diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, hay đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của học sinh, sinh viên. Trước mắt có thể là sự hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT để đưa các vở vào trường học chẳng hạn…”
Đạo diễn HOÀNG DUẨN
Cũng chính nhờ sự chỉn chu trong khâu kịch bản, sự nghiêm túc với các vấn đề về lịch sử, sự chăm chút kỹ lưỡng trong khâu dàn dựng đã góp phần tạo nên một tác phẩm sân khấu hay, đẹp, đúng lịch sử, và là cách người làm sân khấu thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề và với khán giả.