Lặng lẽ mùa lễ Kỳ yên
Những ngày diễn chính của mùa lễ Kỳ yên tháng 2 âm lịch năm Nhâm Dần đang lặng lẽ trôi qua. Những năm trước, lễ Kỳ yên ở các đình miếu, trong tháng 2, tháng 3 âm lịch luôn sôi động, đông đúc khách thập phương đến vọng bái, cầu an, tham gia các nghi thức tế lễ, thưởng thức các vở tuồng kinh điển của nghệ thuật hát bội. Nhưng 2 năm qua, do dịch bệnh nên mùa lễ Kỳ yên tại TPHCM trở nên vắng vẻ.
So với những năm trước, khi vào mùa hát chầu, nhà hát thường ký hợp đồng từ 40 đến hơn 50 suất cho 2 tháng diễn ra lễ Kỳ yên, mỗi ngày diễn 2-3 suất. Thế nhưng năm nay, số suất diễn hợp đồng giảm sút rất nhiều. Vấn đề này không chỉ làm giảm nguồn thu nhập cho nghệ sĩ mà còn làm giảm đi cơ hội làm nghề của đội ngũ nghệ sĩ.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Với tâm lý còn ngại dịch bệnh, nhiều địa phương, ban quản lý đình miếu chưa dám tổ chức lễ hát chầu sôi nổi như mọi năm. Nhiều nơi chỉ tổ chức lễ cúng đơn giản, tránh tụ tập đông người. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến 2 năm qua, mùa hát chầu khá vắng vẻ. Chúng tôi đang mong mỏi trong tháng 3 khi mọi người dần thích ứng an toàn với Covid-19, nhà hát sẽ có nhiều hợp đồng biểu diễn hơn”.
Nhiều đoàn nghệ thuật hát bội xã hội hóa cũng khó khăn không kém. NSƯT Ngọc Khanh, phụ trách Đoàn Nghệ thuật Hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh, tâm tư: “Năm nay là năm thứ 3 dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đoàn hát. Các hợp đồng hát chầu mùa lễ Kỳ yên đều không thể ký kết và tổ chức biểu diễn, dù những năm trước đây, mỗi mùa chầu, đoàn thường nhận lịch diễn đến vài chục suất tại TPHCM và nhiều tỉnh thành lân cận”.
Nhộn nhịp sân khấu cải lương
Từ dịp Tết Nhâm Dần 2022, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Tây Đô và một số đơn vị sân khấu cải lương xã hội hóa trình diễn tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang luôn nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của khán giả mộ điệu. Có thể kể đến một loạt vở: Tiếng trống Mê Linh (tác giả Vĩnh Điền, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), Đứa con họ Triệu (tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo), Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (tác giả Đức Phú, đạo diễn NSƯT Vũ Luân), Cánh buồm ngược gió (soạn giả Phạm Hữu Tùng, biên tập Đức Hiền, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu)… Riêng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử - cải lương do nhà hát thực hiện phục vụ khán giả miễn phí mỗi tháng 2 suất vào tối thứ sáu ở phía trước nhà hát, cũng thu hút rất đông khán giả đến xem.
Ảnh: LINH ĐOAN
Trong khi đó, sau khi lỡ hẹn tái diễn vở cải lương Nàng Xê Đa (tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ phối hợp tổ chức biểu diễn vở cải lương kinh điển này vào tối 23-3 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2022, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đã triển khai công tác đầu tư dàn dựng mới tác phẩm Tuyệt tình ca (tác giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp), phục dựng kịch bản Lan và Điệp (tác giả Loan Thảo), Duyên kiếp (tác giả Hoàng Song Việt); phối hợp các đơn vị tổ chức cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022…
Có thể nói, hàng loạt chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa đang góp phần làm sôi nổi hơn không khí tổ chức biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật cải lương tại TPHCM.
NSƯT Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ: “Trong điều kiện cuộc sống trở lại bình thường mới, nhà hát đang cố gắng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tập luyện, tổ chức biểu diễn. Thời gian tới, nhà hát sẽ chú trọng nhiều hơn cho công tác đầu tư sáng tác, dàn dựng, phục dựng các vở diễn, duy trì tổ chức chương trình bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống trên địa bàn TPHCM, khai thác sân khấu lầu 3 theo dạng sân khấu mở - tương tác”. |