Những rào cản
Nhiều năm qua, sân khấu TPHCM luôn gặp khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn. Trước tiên là những trở ngại do các loại hình giải trí, nhất là trực tuyến, phát triển quá mạnh. Tiếp theo là những khó khăn nội tại của sân khấu trên con đường hoạt động, từ sáng tác, sáng tạo nghệ thuật, cơ sở vật chất (điểm diễn, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng), đến sự thừa - thiếu nhân sự giỏi nghề.
Qua nhiều năm, những khó khăn đó gần như chưa bao giờ được tháo gỡ, giải quyết đến nơi đến chốn, dù ai cũng thấy, cũng biết.
NSND Kim Xuân cho hay: “Thực trạng sân khấu hoạt động èo uột, lực lượng tuy có nhưng không có chỗ làm nghề thường xuyên. Các sân khấu xã hội hóa không có mặt bằng của riêng mình để mạnh tay đầu tư.
Khi đi thuê mặt bằng biểu diễn, không ai dám bỏ vài tỷ đồng để đầu tư dàn âm thanh ánh sáng hiện đại phục vụ sáng tạo, vì nếu sau đó không được cho thuê nữa thì làm sao tháo rời và đem theo cả dàn âm thanh? Vậy nên, hiện trạng của sân khấu mãi là phông màn cũ kỹ, khán giả đến với sân khấu là để “mua” diễn xuất của diễn viên. Khi Sân khấu Kịch Idecaf bán vé trực tuyến, vé rất nhanh hết, chứng tỏ có một lực lượng khán giả trẻ tiềm năng, vấn đề là giữ chân khán giả trẻ tiềm năng đó như thế nào”.
NS Quốc Thảo cũng cho rằng: “Làm sân khấu tư nhân hiện nay quá khó. Nếu làm một vở nghệ thuật, kịch bản gai góc, liệu có được duyệt không? Sự định hướng ít nhiều sẽ khiến sự sáng tạo bị bào mòn. Lúc trước, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ từng “làm mưa làm gió” lĩnh vực sân khấu vì dám “đánh thẳng” vào hiện thực đời sống xã hội. Nay, khó ai có thể viết một tác phẩm mang tính đa chiều để dàn dựng, và có lẽ cũng không ai dám dựng”.
Còn đạo diễn - diễn viên Quốc Thịnh phân tích: “Cốt lõi của sân khấu hiện nay là diễn viên, vì diễn viên là lực lượng đối diện với khán giả hàng đêm. Chính tài năng của diễn viên sẽ làm cho vở diễn hay hơn. Nhưng, diễn viên giỏi hiện nay như các anh chị nghệ sĩ đi trước không nhiều. Có khi vở diễn hay, đạo diễn giỏi, nhưng diễn viên diễn đến độ khán giả xem mà không biết vở muốn nói gì, thì vấn đề này chính là do khâu đào tạo”.
Tìm cách tự thay đổi
Theo đạo diễn - “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch Idecaf, hoạt động của các sân khấu kịch nói hiện nay tại TPHCM như thế nào, tồn tại ra sao, không nên đổ lỗi nữa mà hãy nhìn vào thực tế. Như ở Hà Nội có nhiều nhà hát đẹp, nhưng các suất diễn thường không có khán giả, vậy thì vấn đề không nằm ở chỗ cơ sở vật chất.
Anh chia sẻ: “Tôi từng dự tính đóng cửa Sân khấu Kịch Idecaf từ năm 2009 vì quá lỗ, nhưng rồi lại tiếp tục gồng gánh. Nghệ thuật có chức năng cao nhất là giải trí. Các đơn vị xã hội hóa làm giải trí, lao vào thị trường giải trí là chấp nhận tính sòng phẳng cao. Kịch hay thì khán giả mua vé coi, dở thì phải lỗ. Vì vậy, nhà sản xuất nên nhìn lại thực trạng để tự chọn con đường hoạt động và phát triển. Cũng cần xác định lại mục tiêu của kịch nói TPHCM từng giai đoạn, để chọn phương thức kinh doanh hiệu quả. Cần thiết phải có một mô hình hiệu quả, để các sân khấu khác làm theo. Với Idecaf, hy vọng sắp tới sẽ làm được một số mô hình mới để sân khấu tiếp tục tồn tại, nếu không mới thì tôi sẽ đóng cửa”.
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cũng khẳng định: “Mỗi vở diễn ra đời phải nghiên cứu thị trường khán giả, từ đó điều chỉnh vở diễn làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Chúng ta cần nhìn lại bản thân, về cách thức hoạt động tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả như thế nào. Khi không tạo được tính cộng đồng giữa người xem với người diễn và sân khấu thì khó giữ chân khán giả”.
Việc các đơn vị tự tìm lối ra cho mình, kết nối với các doanh nghiệp để bán vé, đưa các vở diễn ý nghĩa và phù hợp với từng lứa tuổi vào các trường học để quảng bá tuyên truyền… cũng là giải pháp. Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng nhận định: “Sân khấu rất cần có những người biết làm kinh doanh giỏi. Sân khấu thế giới cũng phải tự thân vận động, tìm mô hình phù hợp với tình hình hiện tại để hoạt động và thúc đẩy phát triển. Sân khấu luôn cần sự đổi mới để chinh phục khán giả”.
"Tôi đi dựng cho các tỉnh miền Bắc, một vở được lãnh 150 triệu đồng, nhưng dựng ở TPHCM thì được trả 50 triệu đồng, các đơn vị xã hội hóa “chốt giá” 20 triệu đồng; với đơn vị công lập, Hà Nội đầu tư một vở 900 triệu đồng thì TPHCM (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) chỉ nhận 400 triệu đồng/vở..." Đạo diễn - NSND |