Hát bội: Dấu ấn người trẻ
Hơn 150 suất diễn trong suốt năm 2018 đã phần nào chứng minh hiệu quả công tác quảng bá, tiếp cận công chúng của nghệ thuật hát bội tại TPHCM. Tập thể Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM dù còn gặp không ít khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực kế thừa, đã luôn nỗ lực theo đuổi đam mê.
Nhà hát đã tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ để dàn dựng nhiều tác phẩm mới theo tiêu chí: chú trọng đề tài lịch sử, nâng cao chất lượng tác phẩm và hoạt động biểu diễn, góp phần tuyên truyền những nhân vật anh hùng lịch sử, các danh nhân văn hóa... Một số vở tuồng đã được đánh giá có chất lượng, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật như Lửa thiêng (tác giả Phi Hùng, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Hữu Danh), Lê Công kỳ án (tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn Nguyễn Hoàn, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu), Hoàng thúc Lý Long Tường (tác giả và đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ). Đặc biệt, sau 33 năm hoạt động, nỗ lực của nhà hát được ghi nhận bằng chiếc huy chương vàng đầu tiên dành cho vở tuồng Lê Công kỳ án tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018.
Một điểm son của nhà hát, chính là lớp diễn viên trẻ do nhà hát tuyển chọn và đào tạo từ năm 2000 đến nay, một số đã trưởng thành về chuyên môn như Bảo Châu, Anh Thy, Ngọc Giàu, Thanh Bình, Kiều My, Hoàng Hà, Hoàng Tuấn, Nguyễn Tuấn…
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Điều quan tâm nhất hiện nay chính là công tác tìm kiếm và đào tạo nghệ sĩ trẻ kế thừa. Nhà hát đã có kế hoạch chi tiết về công tác đào tạo; đẩy nhanh thế mạnh của lực lượng diễn viên trẻ qua việc mạnh dạn giao vai trong các vở tuồng lớn, tuồng mới dựng, hay trong các trích đoạn hay cho các em. Chúng tôi cũng tiến hành quảng bá nhiều hơn hoạt động của nhà hát để thu hút các nghệ sĩ trẻ bên ngoài cùng tham gia, có niềm tin và định hướng theo đuổi, phát triển nghệ thuật hát bội”. |
Cải lương: Nhiều cung bậc cảm xúc
Việc bắt tay dàn dựng các vở tuồng cải lương đề tài văn học, lịch sử cách mạng, lịch sử kinh điển trong năm qua của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa tuy không nhiều nhưng cũng đem lại những cung bậc cảm xúc cho khán giả mộ điệu, góp phần làm sôi động sàn diễn nghệ thuật truyền thống.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, bên cạnh các tác phẩm được đầu tư để tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 như: Hiu hiu gió bấc (tác giả Hoàng Song Việt - phóng tác theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Phan Quốc Kiệt), Ngày đó họ đều còn trẻ (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn Lê Trung Thảo), Thành phố buổi bình minh (tác giả Xuân Đức, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Phan Quốc Kiệt), Tình yêu thời chiến (tác giả NSƯT Hữu Lộc, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu); nhà hát cũng lần lượt tái dựng các vở cải lương xưa: Tìm lại cuộc đời, Trà hoa nữ… để kịp thời phục vụ khán giả dịp tết.
Trong khi đó, Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long tái dựng vở cải lương huyền thoại Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong, đạo diễn NSƯT Kim Tử Long) vừa tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc và công diễn phục vụ khán giả mộ điệu tại Nhà hát Bến Thành. Sân khấu cải lương xã hội hóa Lê Hoàng cũng góp phần tạo nên bức tranh nghệ thuật đa sắc màu với vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả Trúc Đường, chuyển thể cải lương Chi Lăng - Hoa Phượng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ).
Trong năm, Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đã đầu tư dàn dựng quy mô vở cải lương về Bác Hồ Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt). Đây là một tác phẩm sân khấu được đầu tư, chăm chút, đậm chất lịch sử - chính trị nhưng cách dàn dựng không quá nặng nề. Giữa những căng thẳng, xung đột luôn có những tình tiết về tình cảm gia đình, bạn bè, đan xen cùng nỗi nhớ quê hương của người con đất Việt xa quê…, tất cả cùng hòa quyện trong một chữ tình, nhẹ nhàng đi vào lòng người xem với những cảm xúc lắng đọng.
Sân khấu học đường: Bền bỉ quảng bá
Hoạt động của các dự án sân khấu học đường ghi điểm vì sức bền của các chương trình nghệ thuật vì trẻ thơ, luôn được các đơn vị nghệ thuật và ông, bà “bầu” quan tâm. Mục đích của các dự án là từng bước xây dựng thói quen xem kịch, hát bội, cải lương, mở rộng sự hiểu biết về loại hình đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc… cho thiếu nhi, thanh thiếu niên.
Nặng tình với mô hình sân khấu học đường, nhiều năm qua, Sân khấu kịch Idecaf luôn cố gắng duy trì hoạt động đưa kịch lịch sử đến với trường học.
Trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang ngày đêm nỗ lực sáng đèn, duy trì điểm diễn thì những tín hiệu vui từ những tác phẩm đề tài văn học, lịch sử đã đem vui cho những người làm nghề. Năm qua, vượt qua bao bộn bề của đội ngũ những người làm sân khấu, hàng trăm suất diễn đề tài này đã đến với khán giả… |
Từ khi dự án Sân khấu học đường đi vào hoạt động đến nay, Idecaf đã diễn hơn 200 suất các vở kịch lịch sử Anh hùng Thánh Gióng, Trần Quốc Toản ra quân, Đinh Bộ Lĩnh… tại các trường tiểu học. Riêng vở nhạc kịch Tiên Nga (truyện thơ của Thi hào Nguyễn Đình Chiểu, hợp soạn: NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung, biên kịch: Nguyễn Thành Lộc, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) được 1 trường THCS và 8 trường THPT chọn đặt mua vé cho học sinh đến Nhà hát Bến Thành xem, tạo cơ hội cho các em tiếp cận với kịch văn học Việt Nam. Dự kiến, trong năm 2019, sân khấu sẽ tiếp tục tái diễn vở Tiên Nga. Ngoài ra, tháng 12 đã có một số trường ở quận 1 hợp đồng với Sân khấu kịch Idecaf trình diễn vở Dạ cổ hoài lang (tác giả NSƯT Thanh Hoàng, đạo diễn Vũ Minh).
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Dù phải bù lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm hết sức có thể. Trung bình, chúng tôi đầu tư 35 - 50 triệu đồng/vở kịch múa rối và 80 - 85 triệu đồng/vở kịch lịch sử. Quan trọng là sự tiếp nhận của công chúng, sự quan tâm và chỉ đạo từ lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở VH-TT, cùng tiếp sức cho chúng tôi”.