Những vở diễn đa sắc màu
TPHCM năm nay mang đến 13 vở diễn, chiếm hơn 1/3 tổng số vở cải lương của các tỉnh thành dự thi liên hoan. Những vở của TPHCM hầu hết lấy đề tài lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng, như: Gia Định thành, Người ven đô, Chói rạng sơn hà - Tây Sơn nữ tướng, Người mang chín án tử, Hào kiệt Lam Sơn - Long Phụng kỳ tài, Truyền tích Cổ Loa xưa, San hô đỏ… Không chỉ nhiều về số lượng, các vở diễn của TPHCM còn cho thấy sự tiếp nối các thế hệ, từ nghệ sĩ, đạo diễn đến tác giả, soạn giả…
Bên cạnh những tên tuổi như NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Lê Nguyên Đạt, NSƯT Kim Phương, NSƯT Kim Tử Long là những đạo diễn trẻ NSƯT Lê Trung Thảo, NS Điền Trung, Dương Khôn… Với những nét riêng, mỗi nghệ sĩ đã góp phần tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn cho sân khấu TPHCM.
NSƯT Lê Trung Thảo, tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn trong vở Lưu vong - Khí tiết một trung thần, cho biết: Tôi có duyên với nhân vật Lê Quýnh khi đã thể hiện hình ảnh của ông trong trích đoạn thi Tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang. Sau này, khi tìm hiểu về cuộc đời ông, tôi mới thấy những lát cắt khác lạ, ít, thậm chí chưa được khai thác trên sân khấu. Chính vì vậy, tôi viết lại câu chuyện của ông với những góc nhìn mới trong khai thác các sự kiện đặc biệt của nhân vật lịch sử. Tôi mong tại liên hoan lần này, tôi sẽ đón nhận những phản hồi từ khán giả, ban giám khảo và bạn bè đồng nghiệp, để từ đó có thể chăm chút thêm để vở diễn hoàn thiện hơn.
Đánh giá về các vở diễn của TPHCM, soạn giả Hoàng Song Việt nhận định: Liên hoan năm nay đặc biệt có khá nhiều người trẻ có năng lực, yêu nghề. Nếu nhận được sự động viên, truyền lửa của người đi trước, các em sẽ thêm tự tin với con đường lựa chọn. Từ đó, giúp sân khấu truyền thống có thêm nhiều tác phẩm mới, mang đậm chất sáng tạo của người trẻ, mang đến sự đa dạng, hấp dẫn cho sân khấu thành phố.
Sức sống mạnh mẽ của sân khấu
Tham gia liên hoan trong 2 vai diễn vua Minh Mạng trong vở Người mang chín án tử và Bảy Đờn trong vở Người ven đô, với NSƯT Võ Minh Lâm là một thử thách khó quên trong cuộc đời làm nghề. Nhân vật vua Minh Mạng là vai diễn rất khó khi mang nặng tâm tư, suy nghĩ sâu xa và có nhiều góc khuất trong tâm hồn, vui giận không được thể hiện ra bên ngoài, nhưng vẫn phải làm sao để khán giả thấy được sự vui giận đó.
Vai Bảy Đờn không chỉ phức tạp trong diễn xuất khi phải thể hiện những trường đoạn dữ dội về tâm lý mà còn chịu cái bóng của nghệ sĩ Thành Được - người từng thể hiện xuất sắc nhân vật này. Dù vậy, việc thể hiện cùng lúc 2 vai diễn lớn ở một kỳ liên hoan sẽ là cơ hội để NSƯT Võ Minh Lâm khẳng định vị thế một trong những nghệ sĩ cải lương trẻ được đánh giá có năng lực nhất hiện nay.
“Ai đi thi cũng mong muốn đạt được giải thưởng cao nhất, nhưng với tôi, điều trân trọng và quý giá hơn hết chính là người nghệ sĩ được khán giả nhớ đến với từng vai diễn ấn tượng, để đời, đó mới chính là sự thành công lớn nhất”, NSƯT Võ Minh Lâm chia sẻ trước thềm liên hoan.
Là bạn diễn cùng NSƯT Võ Minh Lâm trong Người ven đô (vai ông Tám Khỏe), đồng thời cũng là nghệ sĩ có 2 vai diễn trong kỳ liên hoan này (vai Võ Duy Ninh trong Gia Định thành), NSƯT Lê Tứ chia sẻ: Điều mà anh em chờ đợi nhất ở liên hoan là những cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với nhau. Tiếc rằng do điều kiện kinh tế không cho phép, nên thường sau vở diễn của mình, chúng tôi phải trở về, không thể theo dõi hết liên hoan.
Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác rất mong thời gian tới các liên hoan sẽ có những giải pháp để ngày hội nghề thu được những trọn vẹn, bổ ích hơn, nhất là với nghệ sĩ trẻ, mỗi kỳ liên hoan là cơ hội tuyệt vời để học hỏi. Đó cũng là tâm sự chung của nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc.
Ở đó, họ sẽ có cơ hội được đứng trên sân khấu quy mô lớn nhất của đời sống nghệ thuật, được thỏa sức sáng tạo, dồn hết nỗ lực cho vai diễn, được bùng nổ nhiệt huyết và niềm đam mê dành cho nghề. Và cũng ở đó, họ sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ sĩ thế hệ đi trước, trong đó không ít là những nghệ sĩ tài danh, để tiếp nhận những bài học, những năng lượng tích cực, từ đó tiếp nối hành trình mang đến sức sống mạnh mẽ cho sân khấu truyền thống.
Đã là liên hoan phải có huy chương, nhưng ngoài mục đích đến với liên hoan vì những tấm huy chương, điều quan trọng với nghệ sĩ trẻ chính là sức sống nghề mãnh liệt, sự cọ xát nghề tại liên hoan, để xem mình đã rèn luyện được gì, mình còn yếu kém điều gì, để cần học hỏi lẫn nhau, điều đó là hết sức cần thiết cho đời sống nghệ sĩ.
Tại liên hoan lần này, tôi thấy trong lớp trẻ, bên cạnh những em được đào tạo bài bản, cũng có nhiều em tay ngang, chưa được đào luyện nghề chuyên nghiệp. Mong rằng sau liên hoan, các em chịu khó học hỏi chuyên môn của người đi trước, tự trang bị cho mình thêm những kiến thức cơ bản, rèn luyện nhiều hơn về diễn xuất... Chỉ có như vậy, các em mới có thể tiếp bước, thành công với con đường nghệ thuật chân chính.
NSƯT, đạo diễn HOA HẠ