Mùa tết thắng lợi
Từ mùng 1 đến mùng 8 tết, các sàn diễn kịch nói, cải lương, xiếc… liên tục sáng đèn cả trăm suất diễn phục vụ khán giả từ sáng đến tối khuya. Nổi bật là hai điểm diễn cháy vé từ trước tết gần cả tháng là sân khấu kịch Idecaf và sân khấu kịch Thế Giới Trẻ.
Riêng Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần sáng đèn 23 suất, trong đó, các vở kịch người lớn đạt 80% số vé bán ra, riêng các vở kịch thiếu nhi tạo sự bùng nổ đặc biệt với hầu hết suất diễn đều hết vé. Nhiều khán giả phụ huynh đã đề nghị sân khấu 5B tăng cường thêm suất diễn nhưng lịch sáng đèn các ngày trong tết đều đã chật kín.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: “Tết 2023, bên cạnh các vở kịch người lớn biểu diễn ổn định, vé đến tay khán giả chiếm khoảng 80% rạp hát, các suất kịch thiếu nhi luôn không còn ghế trống là niềm vui rất lớn. Anh chị em diễn viên ai cũng diễn hết mình với khán giả phụ huynh cùng các bạn nhỏ. Chúng tôi hạnh phúc khi mùa diễn tết đã đạt được kết quả tốt hơn mong đợi”.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng đạt được doanh thu khả quan khi 15 suất diễn liên tục của sân khấu luôn giữ được lượng vé bán ra chiếm gần 90% số ghế.
NSND Hồng Vân trở lại điểm diễn sân khấu Trung tâm Văn hóa (TTVH) quận Phú Nhuận trong mùa Tết 2023 với 15 suất sáng đèn được đông đảo khán giả ủng hộ.
Điểm diễn mới của NS Minh Nhí cũng rộn ràng khi khán giả đến xem chật rạp.
Riêng điểm diễn mới Nhà hát Thanh Niên tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM với 2 vở mới cũng phủ kín hơn 75% số ghế rạp hát.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật lúc nào cũng cần có giải pháp để tạo nên sự thích nghi và sức bật tươi mới trong đời sống xã hội hiện đại. Sân khấu cũng vậy, các giải pháp hữu hiệu sẽ giúp sân khấu giữ chân khán giả. Các tác giả nên có yếu tố mới trong tác phẩm, phù hợp với thị hiếu công chúng, phù hợp tình hình đất nước, cập nhật và gần gũi hiện thực xã hội, thể hiện các tác phẩm với những ước mơ và khát vọng… Các yêu cầu, giải pháp sẽ giữ chân và thu hút khán giả đến với sân khấu nhiều hơn
NSND TRẦN MINH NGỌC
Sàn diễn cải lương cũng rộn ràng cả chục suất hát kéo dài từ mùng 4 tết đến qua rằm tháng Giêng. Trong đó, mỗi suất diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lượng vé bán ra thường đạt hơn 75%, 2 suất diễn tại rạp Hồng Liên (TTVH quận 6, cơ sở 2) của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cháy vé từ rất sớm, nhiều khán giả phải ngồi ghế xúp.
Ý nghĩa hơn là sức hút của sân khấu cải lương không chỉ có ở những vở hồ quảng mà còn ở cải lương lịch sử như vở Tô Hiến Thành xử án của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ phối hợp cùng sân khấu Sen Việt thực hiện, nội dung hấp dẫn, hình thức nghệ thuật chất lượng khiến khán giả theo dõi và cổ vũ nồng nhiệt.
NSƯT Trọng Phúc và NS Lê Thanh Thảo trong vở cải lương Người đối diện lương tâm của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang |
Thành công trong mùa Tết 2023 còn thấy ở sân khấu múa rối nước Rồng Phương Nam (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) với 29 suất diễn phục vụ hơn 3.000 khán giả, rạp xiếc Công viên Gia Định diễn 15 suất với 5.000 khán giả đến xem.
Sân khấu múa rối nước Rồng Vàng tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM diễn 6 suất phục vụ gần 1.000 khán giả là du khách quốc tế…
Phát triển sân khấu đa năng
Sự nhộn nhịp của sân khấu TPHCM những ngày đầu năm mới với sức hấp dẫn đặc biệt đang níu chân khán giả trở lại. Sự thành công này chính là bước đệm vững chắc cho niềm tin của người làm nghề, khởi động các ý tưởng và những kế hoạch sẽ thực hiện trong năm 2023 của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và đơn vị nghệ thuật công lập.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Mùa tết luôn là mùa bội thu cho các loại hình sân khấu, kể cả những sân khấu đã khép lại hoạt động tổ chức biểu diễn thường xuyên vào cuối tuần. Nhưng sau mùa tết, người làm sân khấu vui đó rồi cũng lo đó. Năm 2022 là một năm đột biến sau trận đại dịch nên nhu cầu giải trí của khán giả tăng cao. Bước qua năm 2023, khi nhu cầu trở lại bình thường thì chúng tôi có hơi lo lắng, không biết khán giả có đến với sân khấu nhiều như năm qua hay không? Tuy nhiên, những người làm sân khấu vẫn phải cố gắng vượt qua bao nỗi lo toan để hy vọng những điều tốt đẹp cho sân khấu, mong có nhiều khán giả đến xem. Với sân khấu mới - Nhà hát Thanh Niên, tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, đầu tư dàn dựng mô hình nhạc kịch có dàn nhạc sống biểu diễn, dựng một số vở kịch phục vụ học sinh cấp 3, vài tác phẩm sân khấu cải lương mang đậm chất tươi mới, trẻ trung để phục vụ khán giả trẻ”.
Phát triển sân khấu theo hướng đa năng cũng là cách tìm kiếm thêm lượng khán giả mới cho sân khấu. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng định hướng đẩy mạnh công tác tổ chức biểu diễn mang tính đa dạng, năng động, nâng chất đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả nhiều lứa tuổi.
NSƯT Mỹ Uyên cho hay: “Qua kết quả tốt đẹp của mùa diễn Tết 2023 cho thấy nhu cầu vui chơi giải trí của khán giả luôn rất lớn, quan trọng là mình nắm bắt và phát huy thế mạnh trình diễn của sân khấu mình như thế nào. Quan trọng là tập trung đầu tư những vở kịch thiếu nhi ý nghĩa, hấp dẫn, vừa mang tính giải trí cao vừa gắn với thông điệp giáo dục, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của khán giả trẻ em và phụ huynh. Tôi cũng hy vọng năm 2023, lĩnh vực sân khấu sẽ phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp hơn”.
Chị TRƯƠNG THỊ NGỌC THU, đường Bà Hạt, quận 10, TPHCM:
Khán giả luôn ủng hộ sân khấu với những điều kiện rất cơ bản, phải có kịch bản hay, diễn viên phải thuộc lời thoại, luyện diễn nghiêm túc để khi biểu diễn trên sân khấu thực sự nhập tâm được vào vai diễn, truyền được cảm xúc, tạo được thiện cảm với người xem. Tác giả kịch bản cần đầu tư nhiều ý tưởng hơn cho tác phẩm, nên sử dụng nhiều hơn ngôn ngữ kịch hay lời ca mang tính văn chương, thơ ca để người xem dễ nghe, dễ cảm nhận. Các tình huống hài kịch, tấu hài cũng nên hài dí dỏm, văn minh, hạn chế hài cương, nhảm nhí.